Tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2023 diễn ra vào sáng ngày 31/01/2023 (Tức mồng 10 tháng Giêng năm Quý Mão), Tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho rằng năm 2022 là một năm thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam khi chịu những tác động kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế vẫn ghi nhận được những kết quả ấn tượng với GDP ước tăng 8,02%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm trước, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững ổn định và lạm phát vẫn đang được kiểm soát.
“Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù trải qua nhiều biến động nhưng thị trường vẫn giữ vững sự ổn định nhất định, vận hành an toàn và thông suốt nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và toàn bộ nhân lực ngành chứng khoán”, bà Chân Phương nói.
XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM, CỦNG CỐ NIỀM TIN NHÀ ĐẦU TƯ
Trong năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới diễn biến khó lường, nhưng ngành chứng khoán vẫn quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường. Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc và hoàn thiện các hệ thống nền tảng cho hoạt động tổ chức và vận hành thị trường; trong đó tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đảm bảo kỷ cương, tính tuân thủ của các thành viên trên thị trường, hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán. Đặc biệt, tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư bằng cách phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Song song đó, nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn...
Về nâng hạng thị trường chứng khoán, đại diện UBCKNN cho biết đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các tổ chức quốc tế và chủ động đề xuất Bộ Tài chính tổ chức trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thị trường chứng khoán Việt sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra.
SẼ ĐƯA VÀO VẬN HÀNH HỆ THỐNG KRX MỚI
Thông tin thêm về thị trường, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết năm 2022, thị trường chứng khoán trong nước chịu nhiều tác động kép cả từ bên ngoài và bên trong; những vụ việc vi phạm pháp luật của một số cá nhân, tổ chức xảy ra trên thị trường chứng khoán trong nước ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, chỉ số VN-Index dừng ở mốc 1.007,09 điểm, giảm 32,78% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân đạt 17.000 tỷ đồng/phiên, giảm 21,24% so với bình quân phiên của năm 2021. Tính đến hết ngày 30/12/2022, giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 42,22% GDP năm 2022. Giá trị cổ phần đấu giá đạt 938 tỷ đồng, giảm hơn 43% so với năm liền trước.
Mặc dù bị sụt giảm mạnh, nhưng xét về tổng thể thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Đa số doanh nghiệp niêm yết đều hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong năm vừa qua, đảo chiều so với mức bán ròng hơn 58.000 tỷ đồng trong năm 2021. Những kết quả khả quan về tình hình kinh tế- xã hội, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố nền tảng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bước sang năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới diễn biến khó lường, thị trường được nhìn nhận sẽ còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành chứng khoán vẫn quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thông tin thêm tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX) đã đạt được những bước tiến đáng kể theo tiến độ thực tế, dự kiến hoàn thành, sẵn sàng hoạt động trong năm nay. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng của HOSE trong năm 2023 này.
Được biết, tháng 12/2012, HOSE ký kết hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc. Trải qua hơn 10 năm, dù khá chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng cuối cùng dự án này cũng đã và đang đi đến những bước cuối cùng để chính thức về đích, ra mắt nhà đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, đề xuất để xây dựng thêm các dự án công nghệ khác để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong tương lai.