Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai Kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP ĐÃ TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI
Hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực.
Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó điển hình như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi SXCN của cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ. Sản xuất và phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ. Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tính tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện ước tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,0% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4%); riêng ngành khai khoáng ước giảm 6% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,1%).
Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II ước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại ước tăng 23,4%, sản xuất xe có động cơ ước tăng 10,7%.
Nhưng IIP của một số ngành ước giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 8,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 3,9%...
“Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng Kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất”, Bộ Công Thương nhận định.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
HỖ TRỢ TỐI ĐA CÁC NHÀ MÁY, DOANH NGHIỆP KHÔI PHỤC SẢN XUẤT
Song theo Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp.
Tương ứng với đó thì tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn. Ví dụ như ở Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu công nghiệp đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%. Trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp con số này là 83,5% và 65,5%. Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ vào số liệu 11 tháng, khả năng năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).
Để phát triển sản xuất công nghiệp tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đồng thời triển khai các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Bộ Công Thương tăng cường bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng. Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm.