Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp cả nước trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%;…
Về tình hình sản xuất công nghiệp quý 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023 của các địa phương, báo cáo ghi nhận tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một trong những tín hiệu tốt là tại khu vực phía Nam, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đang khởi sắc trở lại.
CÔNG NGHIỆP KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2024 uớc tính tăng 27,1% so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28%; sản xuất và phân phối điện tăng 28,2%; cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 4,6%.
Tính chung quý 1/2024, chỉ số IIP của TP.HCM ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,6%.
Tại tỉnh Bình Dương, trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc, các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu.
Trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đã đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 của tỉnh ước tăng 3,87% so với cùng kỳ 2023.
Hiện nay, Bình Dương đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để kịp thời tiến độ đầu tư các Khu công nghiệp: VSIP III giai đoạn 2, Rạch Bắp mở rộng, Tân Bình, Đất Cuốc mở rộng, qua đó tạo thêm quỹ đất nhằm thu hút các nhà đầu tư mới.
Đồng thời, tỉnh cũng nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí (khoảng 800 ha), phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, Khu công nghiệp Khoa học công nghệ...
Cũng như Bình Dương, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai tăng trưởng khá tốt ở nhiều thị trường như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có mức tăng cao như: giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, xơ sợi dệt…
Hiện các doanh nghiệp tại Đồng Nai có xu hướng tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu nên xuất siêu của tỉnh này tăng khá cao.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong quý 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng 5,1% so với cùng kỳ ( trong đó, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 6,48%). Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu cũng ghi nhận tăng 7,88% so với cùng kỳ. Xét theo ngành kinh tế cấp 2 tình hình sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất trong quý 1/2024 có 26/27 ngành có mức tăng so cùng kỳ
Tương tự, tại Bình Phước, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%.
TP.HCM CẦN KHOẢNG 64.500 LAO ĐỘNG TẠI 4 NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ 9 NGÀNH DỊCH VỤ
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), thị trường lao động thành phố có nhiều số liệu tích cực tương ứng với dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế.
Theo đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành kinh tế dịch vụ tăng trưởng kéo theo nhu cầu nhân sự của những ngành này tăng cao.
Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng 64.500 chỗ làm việc, chiếm 78% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố trong quý 1/2024, tăng 13% so với quý 1/2023.
Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 18,28% so với quý 1/2023, nhu cầu của 9 ngành dịch vụ chủ yếu tăng 11,14% so với quý 1/2023.
Falmi dự báo, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu trên địa bàn TP.HCM trong quý 2/2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, dao động trong mức 75.470 - 77.168 chỗ làm việc
Bên cạnh đó, để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp, thời gian qua Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; tiếp nhận trực tuyến (trên hệ thống ecosys của Bộ Công Thương), cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O ưu đãi mẫu D… nhằm cải thiện xếp hạng chỉ số Par – index (chỉ số cải cách hành chính), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, vừa qua UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm năm 2024.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu có tối thiểu 50% doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm được tuyên truyền, phổ biến tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng thành phố năm 2024; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu sản phẩm và thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) trong và ngoài nước.