Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
NHIỀU NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM TĂNG CAO
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 8 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong 8 tháng qua, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; chế biến thực phẩm tăng 5,4%.
Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm là sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; trang phục giảm 5,1%; phương tiện vận tải khác giảm 6%; xe có động cơ giảm 6,5%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao là: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm là: Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 16,9%; Vĩnh Long giảm 14,4%; Sóc Trăng giảm 4,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm, gồm: Lai Châu giảm 35,2%; Sơn La giảm 34,7%; Cao Bằng giảm 33,8%; Điện Biên giảm 30,4%; Hòa Bình giảm 26,2%. Địa phương có ngành khai khoáng giảm: Vĩnh Long giảm 79,9%; Hà Giang giảm 42,2%; Điện Biên giảm 9,5%; Quảng Nam giảm 4,9%.
Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, tại thời điểm 1/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tương đương tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,4% và giảm 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3% và giảm 3%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1% và giảm 3,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,4%.
CHẾ BIẾN CHẾ TẠO VẪN “HÚT” FDI
Trong bức tranh chung của ngành công nghiệp 8 tháng năm 2023, chế biến, chế tạo vẫn là “điểm sáng” khi tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tính đến ngày 20/8/2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,55 tỷ USD, chiếm 85,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,08 tỷ USD, chiếm 82,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Kết quả này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Hơn nữa, ngành này còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày...
Tuy nhiên, bên cạnh số lượng, thì việc nâng cao chất lượng các dự án FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới cũng là đòi hỏi khách quan và cần được triển khai bằng việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các mục tiêu tổng quát.
Đầu tiên, tiêu chí về công nghệ và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao. Trong đó, xác định rõ tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Tiêu chí chuyển giao công nghệ cần được đặt lên hàng đầu để hướng đến các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Tiếp đến, tiêu chí về môi trường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận định về triển vọng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023, trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.
Đồng thời, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá. Điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí... Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Hơn nữa, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam