Theo số liệu báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 được Hiệp hội Thép Việt Nam công bố ngày 14/5, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 4 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh so với những nhận định trước đó.
Cụ thể: trong tháng 4/2021, sản xuất thép các loại đạt 2.819.655 tấn, giảm 4,75% so với tháng trước nhưng tăng 52,2% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép các loại đạt 2.703.395 tấn, giảm 6,22% so với tháng 3/2021, nhưng tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 534.162 tấn, giảm 14,61% so với tháng trước, nhưng tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 4/2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt hơn 10,4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 9,4 triệu tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tình hình xuất khẩu, tháng 3/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 1,23 triệu tấn, tăng 64,56% so với tháng trước, và tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt 899 triệu USD tăng 66,44% so với tháng 2/2021 và tăng 97,97% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung quý 1/2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
Từ chiều ngược lại, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 3/2021 đạt 1,43 triệu tấn với kim ngạch 1,08 tỷ USD, tăng 39,43% về lượng và tăng 49,24% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 7,01% về lượng và 31,04% về giá trị.
Tính chung quý 1/2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 3,676 triệu tấn với trị giá trên 2,6 tỷ USD, tăng lần lượt 11,21% về lượng và 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 1,88 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 51,2% tổng lượng thép nhập khẩu và 48,02% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, giá quặng sắt ngày 4/5/2021 giao dịch ở mức 189,40-189,90 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng mạnh khoảng 19 USD/tấn so với đầu tháng 4/2021. Ngày 7/5/21, giá quặng giao dịch là 210 – 212 USD/tấn.
Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) ngày 4/5/202 khoảng 103,75USD/tấn, giảm khoảng 5USD so với đầu tháng 4/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.
Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 466 USD/tấn CFR Đông Á ngày 4/5/2021. Mức giá này tăng 24USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, Châu Âu và Đông Nam Á có chiều hướng đi ngang.
Trong khi, nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc có khả năng cải thiện hơn nữa trong mùa hè, nhu cầu xuất khẩu của nước này sẽ bị ảnh hưởng do khả năng cao do mức hoàn thuế xuất khẩu bị cắt giảm từ 13% xuống 9%. Giá điện cực graphite loại 600mm UHP công suất cực cao hiện được đánh giá ở mức 25.000 NDT/tấn và của loại 450mm HP được đánh giá ở mức 19.000-21.000 USD/tấn.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 4/5/2021 ở mức 925 USD/T, CFR cảng Đông Á, tăng mạnh khoảng 130 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2021. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.