November 08, 2023 | 11:33 GMT+7

Sáng kiến ​​tuần hoàn của Burberry tiến thêm một bước mới

Băng Hảo -

Thân thiện với môi trường giờ đây là trọng tâm của vấn đề. Khách hàng luôn muốn được nhận thông tin minh bạch về toàn bộ quá trình sản xuất và những đóng góp của sản phẩm đến ngành thời trang bền vững... 

Ảnh: Glamour UK
Ảnh: Glamour UK

Thương hiệu di sản của Anh mới đây đã quyết định hợp tác với nền tảng bán lại toàn cầu Vestiaire Collective để mang đến cho khách hàng ở châu Âu và Mỹ một cách mới để bán lại những món đồ Burberry. Trong một tuyên bố, Burberry cho biết khách hàng sẽ có thể giao dịch những chiếc áo khoác ngoài và túi xách Burberry trên nền tảng Burberry x Vestiaire Collective. Đổi lại họ sẽ nhận được thẻ quà tặng Burberry dựa trên giá trị của món hàng.

Tất cả các mặt hàng sẽ trải qua “quy trình kiểm soát chất lượng và xác thực nghiêm ngặt” từ Vestiaire Collective trước khi được bán trên toàn cầu. Sự hợp tác với Vestiaire Collective là một phần của chương trình ReBurberry rộng hơn, nhằm mục đích mang lại những sáng kiến ​​tuần hoàn cho khách hàng, hỗ trợ tham vọng của Burberry trong việc duy trì sử dụng sản phẩm và vật liệu lâu hơn.

Giorgio Belloli, Giám đốc kỹ thuật số, khách hàng và đổi mới của Burberry, cho biết: “Khi xây dựng dự án này dựa trên các sáng kiến​​ tuần hoàn hiện có của chúng tôi, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sản phẩm sau khi bán thông qua chương trình ReBurberry, chúng tôi hy vọng rằng những sản phẩm đã qua sử dụng có thể tiếp tục được các khách hàng mới hoặc thậm chí là thế hệ sau yêu thích”.

Burberry cũng nói thêm rằng, họ sẽ tặng một bộ sưu tập áo khoác đặc trưng thương hiệu dành cho phụ nữ cho nền tảng này. Doanh thu mang về từ những mặt hàng này sẽ được quyên góp cho tổ chức từ thiện Smart Works có trụ sở tại Vương quốc Anh, nơi cung cấp quần áo công sở chất lượng cao và tập huấn kỹ năng cho phụ nữ thất nghiệp muốn kiếm việc làm.

Sáng kiến ​​tuần hoàn của Burberry tiến thêm một bước mới - Ảnh 1
Sáng kiến ​​tuần hoàn của Burberry tiến thêm một bước mới - Ảnh 2
Sáng kiến ​​tuần hoàn của Burberry tiến thêm một bước mới - Ảnh 3
 

Fanny Moizant, đồng sáng lập và chủ tịch của Vestiaire Collective, nhận định: “Mối quan hệ hợp tác mới này với Burberry tôn vinh sự trường tồn và thể hiện một bước tiến nữa của chúng tôi tới nền kinh tế tuần hoàn. Sứ mệnh của Vestiaire Collective là hỗ trợ các thương hiệu thúc đẩy việc bán lại và đưa ra các lựa chọn thay thế có trách nhiệm hơn cho cộng đồng của họ để mua sắm ít hơn nhưng mua sản phẩm tốt hơn”.

Cách đây chỉ vài thập kỷ, việc thừa nhận bản thân đang dùng một chiếc túi sách hay diện một bộ đầm đã qua sử dụng chắc chắn sẽ khiến không ít người e ngại. Nhưng ngày nay, thị trường thời trang đã qua sử dụng không còn là một nỗi xấu hổ, mà nó trở thành một xu hướng đầu tư quan trọng. Diana Lee, Giám đốc nghiên cứu và phân tích tại The Business of Fashion (BoF) cho hay: “Cách các thương hiệu lớn và các nhà bán lẻ nhìn nhận thị trường đồ cũ đang dần thay đổi. Họ không còn lo sợ việc các món đồ đã qua sử dụng sẽ ăn mòn doanh số bán hàng mới, thậm chí còn xem đây là một hình thức hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn".

Sự thay đổi này chủ yếu đến từ nhu cầu ngày càng tăng của những người tiêu dùng trẻ tuổi. Lắng nghe và hiểu được mong muốn của đối tượng khách hàng này, các thương hiệu cao cấp cũng như các nhà bán lẻ đang thử nghiệm hình thức bán lại đồ cũ như một kênh bổ sung để thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy doanh thu. McKinsey & Company ước tính lĩnh vực bán lại sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm từ 10 đến 15% trong thập kỷ tới. Trong khi các cửa hàng bán đồ cũ truyền thống vẫn chiếm phần lớn doanh số, thì các kênh mua bán trực tuyến đang “giành giật" về mình 30% thị phần - trong đó có cả kênh đến từ những thương hiệu nổi tiếng.

Dự án ReBurberry đã quyên góp hơn 12.000 mét vải cho hơn 30 trường thời trang và trường Đại học trên khắp Vương Quốc Anh.
Dự án ReBurberry đã quyên góp hơn 12.000 mét vải cho hơn 30 trường thời trang và trường Đại học trên khắp Vương Quốc Anh.

Điển hình như chiến dịch Xuân - Hè 23 của Chloé. Gần đây, thương hiệu cao cấp này đã cho ra mắt Chloé Vertical - một công nghệ kỹ thuật số cho phép người dùng quét mã vạch để theo dõi chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối. Chưa hết, Chloé Vertical còn cung cấp “chứng nhận quyền sở hữu" cho người mua hàng, giúp họ có thể trực tiếp bán lại sản phẩm thông qua nền tảng khác là Vestiaire Collective.

Tương tự như vậy, từ năm 2022, Alexander McQueen và Gucci được cho là đã lấn sân sang lĩnh vực thời trang bán lại. Trước đó, Balenciaga cũng triển khai chương trình bán lại nội bộ của riêng mình. Việc tham gia thị trường đồ cũ chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực đến hình ảnh của các thương hiệu này. Chẳng cần nói đâu xa, lợi ích trước mắt là họ sẽ được khách hàng xem là một thương hiệu bền vững, có trách nhiệm, có đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn và nỗ lực giảm thiểu chất thải. Mặt khác, các thương hiệu này cũng sẽ được chú ý nhiều hơn, đồng thời kết nối với khách hàng theo một cách sáng tạo và gần gũi hơn.

Trước đó, Burberry đã khởi động dự án ReBurberry khi cung cấp cho cộng đồng sáng tạo các nguyên vật liệu cao cấp hơn. Chương trình không chỉ hướng đến bền vững mà còn giúp các nhà thiết kế tương lai có cơ hội sử dụng những nguyên vật liệu mà họ không đủ điều kiện để tiếp cận, từ đó giúp họ có trải nghiệm tốt hơn trong quá trình thiết kế đồng thời giảm thiểu lãng phí trên diện rộng.

Thực tế là, trái ngược với những thiếu thốn về nguồn nguyên liệu của sinh viên thời trang, nền công nghiệp tỉ đô lại đang đối đầu với tình trạng ô nhiễm và khai thác quá mức. Các mô hình thời trang nhanh đang thống trị thị trường dẫn đến sự lãng phí, thừa thãi quần áo. Hiểu về những bất cập này, ReBurberry kết hợp với Hội Đồng Thời trang Anh (British Fashion Council) để khích lệ các nhà thiết kế trẻ tạo ra các dòng sản phẩm bền vững.

Burberry cũng chính thức tuyên bố về việc chuyển mình thành một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp với dòng sản phẩm “ReBurberry Edit”.
Burberry cũng chính thức tuyên bố về việc chuyển mình thành một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp với dòng sản phẩm “ReBurberry Edit”.

Kể từ khi bắt đầu đến nay, hãng đã quyên góp hơn 12.000 mét vải cho hơn 30 trường thời trang và trường Đại học trên khắp Vương Quốc Anh, từ Đại học Nghệ thuật Edinburgh đến Đại học Brighton. Chiến dịch này thay cho lời tuyên ngôn mạnh mẽ về định hướng của nhà mốt: Nuôi dưỡng các thế hệ tài năng tiếp theo đồng thời đặt ra kế hoạch giúp những sáng tạo tiềm năng trở nên thiết thực hơn. Việc cung cấp nguyên liệu có thể khuyến khích sinh viên sáng tạo và tiếp tục chương trình học của mình mà ít bị cản trở bởi các yếu tố khác.

Ở cấp độ sản xuất, Burberry hợp tác với Công ty Elvis & Kresse có trụ sở tại London để tái sử dụng chất thải da. Burberry cũng chính thức tuyên bố về việc chuyển mình thành một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp với sự ra mắt dòng sản phẩm thời trang bền vững đầu tiên mang tên “ReBurberry Edit”. Trong giai đoạn khó khăn của toàn ngành thời trang và khủng hoảng kinh tế, những nỗ lực này của thương hiệu lâu đời nước Anh để hoàn toàn chuyển mình thành thương hiệu thời trang cao cấp bền vững là rất đáng để mong đợi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate