Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định dự thảo Thông tư hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện.
Dự thảo quy định phương pháp thử mức tiêu thụ năng lượng; công khai thông tin; dán nhãn năng lượng…
Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, xe máy điện và tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực này.
Dự thảo này căn cứ trên quy định tại Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Cụ thể, Điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 04/2017 quy định: “Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống”; “Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với: Xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ từ ngày 1/1/2018; xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 01/01/2020".
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con từ 07 chỗ ngồi trở xuống; ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ; ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Như vậy, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và ban hành các thông tư cơ bản thực hiện đúng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, "trước đây do các loại xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện là loại phương tiện mới, chưa phát triển nên phạm vi điều chỉnh của các thông tư nêu trên của Bộ mới chỉ quy định áp dụng đối với các loại xe sử dụng nhiên liệu là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí tự nhiên và không áp dụng đối với các loại xe sử dụng điện", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 khi có sự hỗ trợ của quốc tế.
Đối với lĩnh vực đường bộ, trong tương lai gần, xe điện là xu hướng phát triển tất yếu và sẽ dần thay thế các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hiện tại, một số doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu sản xuất, lắp ráp các loại xe điện.
Do vậy, "việc ban hành Thông tư hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội và quy định về dán nhãn năng lượng của Thủ tướng Chính phủ", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Dự thảo thông tư nêu rõ nhãn năng lượng của xe cung cấp các thông tin liên quan đến loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng và các thông tin liên quan của các loại xe; đồng thời, cung cấp mức tiêu thụ năng lượng của xe.
Theo đó, đối với xe ô tô con thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe máy thuần điện, nhãn năng lượng phải có thông tin về mức tiêu thụ điện năng và quãng đường sử dụng điện năng; đối với xe ô tô con hybrid nạp điện ngoài và xe mô tô hybrid nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng, tiêu thụ nhiên liệu, tiêu thụ điện năng và quãng đường sử dụng điện năng; đối với xe mô tô hybrid không nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng và mức tiêu thụ nhiên liệu.
Cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công thương. Đồng thời, phải công khai thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của xe trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng và phải tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và hiệu lực của báo cáo tiêu thụ năng lượng.
Đồng thời, các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu căn cứ vào báo cáo tiêu thụ năng lượng để công khai thông tin về mức tiêu thụ năng lượng.
Dự thảo nêu rõ: "Mức tiêu thụ năng lượng công khai không được nhỏ hơn 4% so với kết quả đo (nếu số lần thử nhiều hơn một lần thì kết quả đo là trung bình cộng của các lần thử) trong báo cáo tiêu thụ năng lượng".
Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường...