Sáng 24/11, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII. Theo đó, kỳ họp tổ chức trong 3 ngày, từ 12-14/12 tại Trung tâm hội nghị 25B, thành phố Thanh Hóa.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa sẽ có phiên trả lời chất vấn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh này.
Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ thông qua các báo cáo thường kỳ của UBND tỉnh Thanh Hóa: Về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh năm 2023; trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2024; Tài chính của tỉnh năm 2022; Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2023; Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 tỉnh Thanh Hóa...
Đáng chú ý, tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa sẽ có phiên trả lời chất vấn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, song tỉnh Thanh Hóa phải giải ngân tới 6.707,9 tỷ đồng; trong đó, số vốn năm 2022 do tỉnh quản lý được phép kéo dài sang năm 2023 còn tới 1.447,6 tỷ đồng. Đây thực sự là một áp lực khá lớn cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chưa hoặc chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa cũng sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn liên quan đến tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp tại địa phương. Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 115 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 5.267,25 ha.
Trong số 115 cụm công nghiệp, hiện mới có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng, đủ điều kiện thu hút dự án đầu tư thứ cấp. Nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, hạ tầng một số cụm công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư.
Một nội dung quan trọng khác tại kỳ họp là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; Trưởng các ban của HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh.
Các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, gồm: (i) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; (ii) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 134-KH/TU về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ đối với những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.