Chia sẻ tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cập nhật về tiến trình dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đến nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thành dự thảo cuối cùng của Thông tư. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo này cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang Web của Bộ Tài chính trước khi ban hành. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Hải, dự kiến hôm nay, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính công bố dự thảo thông tư này cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang Web của Bộ Tài chính trước khi ban hành.
Trong thông tư đặt ra 2 vấn đề lớn, làm thế nào có giải pháp bỏ prefunding và làm thế nào tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng với các thành viên khác trên thị trường.
"Hiện nay chúng tôi đang chỉnh lại một số câu chữ bằng tiếng Anh, đúng tinh thần của dự thảo thông tư khi công bố cho các thành viên cũng sẽ đồng thời công bố bản tiếng Anh. Đến thời điểm này vẫn còn một số ý kiến nhưng về cơ bản nội dung chính đều có sự đồng thuận của các nhà đầu tư quốc tế, trong kỳ review tháng 9 tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực", ông Hải nói.
Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang tích cực làm việc với các thành viên thị trường, các tổ chức trong và ngoài nước để đề ra giải pháp khả thi đối với những vướng mắc chính trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thông qua dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nói thêm về vấn đề nâng hạng, theo Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển thời gian không dài 24 năm cho đến thời điểm này không thể nói thị trường chứng khoán của chúng ta nhỏ nữa. Cách đây vài năm, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam xếp hạng vào khoảng thứ 28-29 trên thế giới. Hiện nay, vốn hóa còn lớn hơn, vượt Philippines, ngang Malaysai Thái Lan và thấp hơn Singapore.
Thanh khoản thị trường được xếp thứ nhì tại Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Thái Lan. Riêng thanh khoản thị trường cổ phiếu gấp 10 lần Philippines, thị trường trái phiếu riêng lẻ vài nghìn tỷ một ngày, ngoài ra còn có cả trái phiếu Chính phủ nữa.
Quy mô như vậy chẳng có lí do gì chúng ta tiếp tục được đánh giá là thị trường cận biên. So với nhiều nước khác được đánh giá trong thị trường mới nổi rồi thì nhiều thứ thị trường chứng khoán Việt Nam còn hơn. Tiềm lực chúng ta xứng đáng đứng trong hàng ngũ mới nổi. Điều đó có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và cổ vũ nhiệt tình các thành viên, các công ty chứng khoán.
"Hiện nay chúng ta mở ra cánh cửa được nâng hạng, nhưng cũng như quán ăn chúng ta mở cửa rồi nhưng đồ ăn không ngon dịch vụ không tốt thì họ lại sang quán khác. Do đó, phải bàn, đưa ra nhiều giải pháp khi nhà đầu tư vào thì có nhiều lựa chọn cho họ. Nhiều đến mức để họ quay lại nhiều lần chứ không phải một lần duy nhất", ông Hải nhấn mạnh.
Đối với câu chuyện phát triển nhà đầu tư tổ chức, làm sao chúng ta thúc đẩy sự phát triển nhà đầu tư có tổ chức Việt Nam? Theo Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay vướng mắc cơ chế chính sách, thuế và cần tạo điều kiện hơn nữa để phát triển các ngành quản lý quỹ.
Về phía các nhà đầu tư, rất lạ là dân Việt Nam nhiều người đầu tư rất nhiều vào tài sản ảo, tham gia vào đội nhóm, chương trình đầu tư quảng bá trên mạng xã hội, internet lên đến hàng nghìn tỷ đông, trong khi các công ty quản lý quỹ thu hút đầu tư lại rất khó. Chỉ đi huy động vốn nước ngoài, còn rất khó khi muốn huy động quỹ trong nước.
"Tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ có vấn đề nguyên tắc đầu tư lợi nhuận đi kèm rủi ro nhưng cảm giác các nhà đầu tư chỉ nhìn ở lợi nhuận mà rủi ro thì bỏ qua. Đó là lý thuyết cơ bản nhất. Để có sự thay đổi nhận thức nhà đầu tư cá nhân trong nước thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn đồng thời tăng cường công tác đào tạo nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán", ông Hải nói.