Sau hơn hai năm vật lộn trong đại dịch Covid-19, năm 2022, đặc biệt là vào nửa cuối năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam mặc dù đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và kiểm soát thành công lạm phát, tỷ giá nhưng phải đối mặt với không ít thách thức và biến động khó lường.
Trên thế giới, lạm phát cao kỷ lục; xung đột chính trị giữa Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu bị đứt gãy; và sự chuyển dịch chính sách nâng lãi suất có phần quyết liệt từ phía ngân hàng trung ương các nước.
Ở trong nước, một loạt các sai phạm về thị trường chứng khoán và thị trường tài sản đã làm sụt giảm thanh khoản, các kênh vốn từng là trụ đỡ cho nền kinh tế bị sụt giảm, làm mai một niềm tin từ các nhà đầu tư. Những yếu tố đó đã được phản ánh khá chính xác vào sự suy giảm của thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Đứng trước các khó khăn trên, tình hình vĩ mô Việt Nam trong 2022 vẫn củng cổ được nhiều điểm sáng trong bức tranh chung: mức tăng GDP kỷ lục ở 8,02%, lạm phát thấp, tỷ giá được kiểm soát. Đáng chú ý, thặng dư thương mại đạt 10,68 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước năm đạt 126,4% dự toán, nhu cầu trong nước ổn định...
Tuy nhiên, những thách thức mới cũng đang xuất hiện như xuất khẩu và đầu tư FDI giảm tốc, mặt bằng lãi suất vẫn còn ở mức cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm không phanh, thị trường chứng khoán thiếu ổn định, thị trường bất động sản đóng băng đã tạo nên tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Điều đáng nói, khi những kênh dẫn vốn nêu trên bị bế tắc, dường như mọi nhu cầu vốn đầu tư ở khu vực tư nhân đang đổ dồn về hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, không ít chuyên gia đã đánh giá thị trường vốn, tiền tệ hiện nay có vẻ như đang bộc lộ những dấu hiệu của thời kỳ 2008 - 2013.
Để đánh giá triển vọng đầu tư năm 2023, tìm ra những yếu tố sẽ tác động lớn đến xu hướng đầu tư năm 2023, FiinGroup phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Toạ đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" vào lúc 15h ngày 15/02/2023.
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Triển vọng vĩ mô 2023 và yếu tố cần theo dõi/tác động đến thị trường tài chính;
- Đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc và sẽ có những tác động nào đến thị trường?
- Xuất khẩu và FDI đang giảm tốc 3 tháng gần nhất, vì sao và tác động đến nền kinh tế như thế nào?
- Môi trường lãi suất cao như hiện nay có thể kéo dài đến lúc nào?
- Triển vọng ngành bất động sản ra sao?
- Ngành ngân hàng sẽ vượt qua những cơn gió ngược như thế nào?
- Khi nào kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp khai thông trở lại?
- Loại hình doanh nghiệp nào vẫn huy động được vốn nợ hoặc trái phiếu doanh nghiệp?
- Một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ vừa qua có tác động như thế nào đến triển vọng và xu hướng đầu tư khác?
- Khi nào tâm lý tích cực trở lại với nhà đầu tư cá nhân? Yếu tố nào tác động vào vấn đề này?
- Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài liệu có tiếp tục tích cực từ tháng 12/2022 sang năm 2023?
- Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2023 như thế nào? Ngành nào có triển vọng tích cực, ngành nào giảm? Vì sao?
Khách mời của Toạ đàm bao gồm:
- PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân;
- Ông Đào Phúc Tường, CFA, Chuyên gia Chứng khoán;
- Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings;
- Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng, Phân tích Định chế Tài chính; FiinGroup.
- Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng, Phân tích Chứng khoán, FiinGroup;
- Điều phối toạ đàm là ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh, FiinRatings.
Nội dung Tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào 15h00-17h30 ngày 15/02/2023 trên nền tảng điện tử VnEconomy và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!