5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối IoT, phát triển thông minh. Việc triển khai thương mại hóa, đấu giá băng tần 5G cũng như kết quả nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết bị mạng 5G Make in Vietnam, đang là vấn đề đang được cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng như cộng đồng quan tâm hiện nay.
Hiện nay, công nghệ 5G đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới với 247 nhà mạng tại hơn 100 quốc gia đã triển khai và khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư chuẩn bị đưa công nghệ 5G đến với người dùng. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào sân chơi 5G.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất, qua đó sẽ nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Nhằm cung cấp thông tin cho độc giả, nhà quản lý và giới doanh nghiệp về bức tranh toàn cảnh 5G trên thế giới và Việt Nam, trong đó đặc biệt việc phát triển mạng 5G Make in Vietnam, những cơ chế, chính sách và gợi mở để tăng tốc thúc đẩy thương mại hóa 5G tại Việt Nam… Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ, thảo luận, phân tích 2 vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm hiện nay:
- Thực trạng phát triển mạng 5G Make in Vietnam.
- Tăng tốc thúc đẩy thương mại hóa 5G.
Ngoài ra, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chia sẻ, làm rõ vấn đề đấu giá băng tần; các cơ hội ứng dụng tiềm năng của 5G với các ngành kinh tế xã hội, sự sẵn sàng của mạng lưới, thiết bị đầu cuối và người dùng; các mô hình triển khai thương mại hóa 5G hiệu quả, bài toán đầu tư 5G cho nhà mạng, đặc biệt là giải pháp để tăng tốc thương mại 5G ở Việt Nam.
Tham gia buổi tọa đàm là các chuyên gia và đại diện nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ lớn trên thị trường:
-Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến- Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia;
- Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!