Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 2/1/2024, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng, việc sáp nhập này là phù hợp xu thế; yêu cầu sau sáp nhập, hoạt động của Trường Đại học Nghệ An phải tốt hơn, mạnh hơn, đồng thời giải quyết được bất cập, khó khăn trong mô hình các trường đang triển khai.
Theo UBND tỉnh, việc sáp nhập nhằm tăng cường tự chủ và trách nhiệm của đơn vị về tổ chức bộ máy, tài chính, đầu tư, đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch tỉnh Nghệ An; củng cố, tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; tinh giản bộ máy quản lý và nhân sự, tận dụng thế mạnh của đơn vị tham gia sáp nhập, khai thác tối đa hiệu quả nguồn lực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu lực hoạt động của cơ sở giáo dục sau sáp nhập, cải thiện vị thế trong Bảng xếp hạng các trường đại học trong nước, khu vực.
Đây là việc làm cấp thiết nhằm phát triển một Trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo đổi mới sáng tạo, cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước và khu vực ASEAN.
Sau sáp nhập, Trường Đại học Nghệ An có chức năng đào tạo trung cấp, cao đẳng (theo lộ trình đến năm 2035), đại học, sau đại học và bồi dưỡng phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ giáo dục, chuyển giao kinh tế số, đổi mới sáng tạo lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp và công nghệ; văn hóa nghệ thuật và du lịch; tư vấn, tham vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các tổ chức, địa phương; tổ chức, tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và hoạt động xã hội khác.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An được thành lập từ năm 2014. Bên cạnh mặt tích cực, hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức, người lao động chưa đồng bộ, chưa phù hợp, có mặt chưa tương xứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ cấu về độ tuổi, trình độ chuyên môn chưa thực sự cân đối. Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ còn thấp; chưa đáp ứng được việc mở mã ngành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội…
Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An được thành lập năm 1959 có chức năng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên phục vụ các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Bên cạnh thành tựu đã đạt được, Trường còn một số hạn chế như, ngành nghề đào tạo ngày càng thu hẹp, một số ngành đào tạo giáo viên Trung học Cơ sở không tuyển sinh được (từ năm học 2021-2022 trường chỉ được giao tuyển sinh duy nhất một ngành Mầm non, chỉ tiêu tuyển sinh 200 sinh viên/năm).
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được thành lập từ năm 2004, là cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật và du lịch duy nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức, người lao động chưa đồng bộ; tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ còn thấp, đặc biệt là Tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật, từ đó dẫn đến điều kiện để mở mã ngành theo quy định gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, một trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 6 trường đại học và Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An.