Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 24/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo (Thông tư số 24/2022).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2022 và bãi bỏ hàng loạt thông tư như: Thông tư số 36/2019/TT-BGTVT ngày 12/9/2019 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, Thông tư số 30/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019/TT-BGTVT, Thông tư số 05/2017/TT-BGTVT ngày 21/2/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30/7/2013 quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam (Thông tư số 16/2013), Điều 1 Thông tư số 08/2022/TT-BGTVT ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Đáng chú ý, Thông tư số 24/2022 sửa đổi khoản 1 Điều 3 Thông tư số 16/2013 về thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến cảng vụ hàng hải khu vực, cơ quan, đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ (trong trường hợp được phân cấp) hoặc gửi trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định.
Hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo gồm bản đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; ý kiến thống nhất bằng văn bản hoặc hợp đồng với tổ chức quản lý cảng, bến cho phương tiện vào đón, trả hành khách.
Cùng với đó là các bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nội dung ngành nghề vận tải hành khách đường thủy; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện còn hiệu lực và phù hợp với tuyến hoạt động.
Đáng chú ý, liên quan đến thời gian xử lý, giải quyết thủ tục hành chính này, Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 24/2022 nêu rõ: "Chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cảng vụ hàng hải khu vực gửi xin ý kiến bằng văn bản của Sở Giao thông vận tải nơi có cảng, bến đón trả khách do địa phương quản lý. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản".
Cùng với đó, đối với các tuyến được Bộ Giao thông vận tải phân cấp, chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ gửi xin ý kiến bằng văn bản của cảng vụ hàng hải khu vực, cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (sau đây gọi là Cảng vụ) nơi có tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo đi qua.
Cảng vụ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản.
Chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cảng vụ hàng hải khu vực, cơ quan, đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ (trong trường hợp được phân cấp) xem xét, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì có văn bản chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân vận tải khách cố định trên tuyến. Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì trả lại hồ sơ và trả lời nêu rõ lý do.
Như vậy, thời gian trả lời, hồi đáp của các đơn vị như cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa hay Sở Giao thông vận tải... kể từ khi nhận đủ hồ sơ chỉ còn 3 ngày, rút ngắn 2 ngày so với quy định trước đây.