December 08, 2023 | 19:05 GMT+7

Sắp xếp vị trí việc làm nhưng không làm tăng biên chế

Hà Lê -

Thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Sắp xếp vị trí việc làm nhưng không làm tăng biên chế…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8/12.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chủ trì Hội nghị.

TUYỂN DỤNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, ĐÁNH GIÁ THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM GẮN VỚI KẾT QUẢ SẢN PHẨM ĐẦU RA

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Bộ Nội vụ cho biết mục tiêu, từ nay đến tháng 3 năm 2024 phải hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và phê duyệt vị trí việc làm gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ tháng 4 năm 2024 trở đi sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và điều chỉnh kịp thời vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề án hướng tới từng bước thực hiện cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn sự nghiệp công lập gắn với thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước.

Đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm cũng cần bảo đảm các nội dung. Tên vị trí, việc làm được sử dụng thống nhất theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Bản mô tả vị trí, việc làm sẽ được mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khung năng lực vị trí, việc làm sẽ được mô tả cụ thể, phù hợp với yêu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: VGP
Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: VGP

Về xác định cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cần có tính kế thừa và đáp ứng yêu cầu từng bước cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với hạng của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm phải bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước. Sắp xếp vị trí việc làm nhưng không làm tăng biên chế.

Bên cạnh đó, thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

TRƯỚC 31/3/2023 PHẢI HOÀN THÀNH XÂY DỰNG VÀ PHÊ DUYỆT TẤT CẢ ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Đánh giá cao sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương để đạt được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhất là trong việc hoàn tất khung pháp lý cho việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã có Thông tư hướng dẫn.

Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định (Nghị định 06/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức, Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập);

20/20 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, hiện nay việc triển khai đang bị chậm vì đây là nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, áp lực về thời gian nhưng "phải làm, khó tới đâu giải quyết tới đó" để quý II/2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp công tác tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc chung trong các Nghị quyết của Trung ương, đồng thời cần có sự linh hoạt nhất định, không cầu toàn, không được chủ quan, hời hợt để sau khi có Đề án vị trí việc làm và hệ thống bảng lương mới có thể khích lệ, phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các bộ, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ; thực hiện phân cấp mạnh nhất trong xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong khuôn khổ cho phép của các quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin, phản hồi; phối hợp các bộ, ngành trả lời tham vấn các nội dung; tham mưu Ban Chỉ đạo các nội dung thuộc thẩm quyền. Bộ Nội vụ phối hợp tốt các Ban, ngành Trung ương chuẩn bị báo cáo tốt nhất thể hiện thực trạng, khó khăn để Thường trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương nắm được để quyết liệt xử lý.

Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết những vướng mắc, tồn tại để triển khai. Hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể định mức biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó có chính sách cụ thể, hợp lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án vị trí việc làm.

Các địa phương cũng đề nghị Bộ Nội vụ và các Bộ chuyên ngành nghiên cứu, có đánh giá, rà soát; tổng hợp các vị trí việc làm phù hợp với thực tiễn triển khai nhiệm vụ, đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn trước để bổ sung vào danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate