Chỉ trong 7 giờ ra mắt, Threads đã thu hút được 10 triệu lượt đăng ký. Trên Threads, người dùng có thể đăng tải văn bản và đường dẫn cũng như trả lời hoặc đăng lại thông điệp của người khác. Ứng dụng này cho phép chuyển danh sách người theo dõi sẵn có và tên tài khoản của người dùng từ Instagram, ứng dụng chia sẻ video và ảnh của Meta, bao gồm các thương hiệu lớn, người nổi tiếng và người sáng tạo nội dung trong số hơn 2 tỉ người dùng.
Để so sánh, đối thủ trước đó của Twitter là Mastodon phải mất vài tháng mới leo đến mốc 3 triệu lượt đăng ký. Hiện Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg có 310.000 người theo dõi trên Threads và con số này tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk - người mua lại Twitter hồi năm ngoái - có gần 150 triệu người theo dõi trên nền tảng Twitter.
Theo một bài đăng trên blog của Meta, Threads có nhiều điểm tương đồng với Twitter khi cho phép đăng tải các bài viết ngắn tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút. Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác.
Nhiều tài khoản người nổi tiếng trước đó đã yêu cầu Meta tạo ra một ứng dụng mới, theo Connor Hayes, Phó giám đốc phụ trách sản phẩm. “Nhiều người sáng tạo nội dung nói với chúng tôi rằng: Chúng tôi muốn có một sự thay thế, và chúng tôi không muốn làm lại từ đầu và tạo dựng cơ sở người theo dõi từ con số 0”, ông Hayes nói trong một cuộc phỏng vấn, tuy nhiên không đề cập cụ thể đến Twitter.
Trong loạt bài đăng khi ra mắt ứng dụng mới, CEO Zuckerberg có viết: "Tôi nghĩ chúng ta nên có một ứng dụng trò chuyện công khai với hơn 1 tỷ người hoạt động. Twitter đã có cơ hội để đạt được điều này nhưng họ chưa thành công. Hy vọng chúng tôi sẽ làm được”. Hiện tại Threads đã có mặt tại cửa hàng ứng dụng trên cả 2 nền tảng Android và iOS tại 120 quốc gia.
Theo Tech Crunch, các nhà đầu tư đang rất hào hứng với Threads do ứng dụng mới này có mối liên hệ mật thiết với Instagram, theo đó có lợi thế về nền tảng người dùng tương đối vững chắc, cũng như mạng lưới hợp đồng quảng cáo. Điều này có thể gây bất lợi đối với Twitter trong bối cảnh công ty này đang tìm cách vực dậy công việc kinh doanh. Tỷ phú Elon Musk đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD hồi tháng 10/2022 nhưng giá trị công ty đã giảm xuống từ đó do nhiều nhà quảng cáo rút khỏi ứng dụng, giữa lúc công ty thực hiện việc quản lý nội dung gây tranh cãi và cắt giảm nhân sự.
Tờ The Guardian ngày 7/7 đưa tin tỉ phú Elon Musk dọa kiện Meta vì ra mắt Threads, khi cho rằng ứng dụng này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Twitter. Trong thư gửi CEO Mark Zuckerberg của Meta, một luật sư đại diện Twitter cho hay công ty "có những lo ngại nghiêm trọng rằng nền tảng Meta tham gia vào việc chiếm đoạt có hệ thống, cố ý và bất hợp pháp các bí mật thương mại của Twitter và các tài sản trí tuệ khác".
"Twitter có ý định thực thi nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ của mình và yêu cầu Meta thực hiện các bước ngay lập tức để ngừng sử dụng bất kỳ bí mật thương mại nào của Twitter hoặc thông tin có tính bảo mật cao khác", theo luật sư Alex Spiro viết.
Tính đến ngày ra mắt Threads, Twitter vẫn hạn chế số lượng tweet mà người dùng có thể xem mỗi ngày – một biện pháp mà Musk cho là “tạm thời” nhằm chống lại các trình thu thập dữ liệu. Những hạn chế này chỉ là động thái mới nhất khiến người dùng Twitter tìm kiếm nền tảng thay thế. Nhưng hầu hết những đối thủ trước đó của nền tảng mạng xã hội này, như Bluesky và Mastodon, đều chưa xây dựng được những mạng lưới đủ lớn để tạo cho các bài đăng tầm ảnh hưởng lớn như trên Twitter. Nhiều mạng xã hội thay thế mới vẫn đang trong quá trình tạo dựng hệ thống kiểm soát nội dung độc hại, không phù hợp và bạo lực.
Một điểm hấp dẫn khác, theo ông Connor Hayes, là Threads được xây dựng trên cùng giao thức truyền thông mạng xã hội ActivityPub giống Mastodon và nhiều ứng dụng mạng xã hội phi tập trung khác. Có nghĩa là, những người tạo dựng được một lượng người theo dõi trên Threads cuối cùng sẽ có thể sử dụng ứng dụng này để tương tác với một cộng đồng lớn hơn, vượt trên Instagram. Đây là ứng dụng đầu tiên của Meta có thể tương tác với các sản phẩm cạnh tranh, mặc dù ông Hayes không đưa ra thời gian cụ thể cho đợt cập nhật đó. Threads cũng được ra mắt mà không có quảng cáo – ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên nhiều quan điểm cũng cho rằng Threads mặc dù có nhiều lợi thế nhưng chưa chắc đã nắm chắc phần thắng. Meta, công ty mẹ của nền tảng này đang phải đối mặt với một số rào cản pháp lý và uy tín trên toàn cầu. Điều này sẽ khiến Threads cần thuyết phục một lượng lớn người dùng quan trọng về độ tin cậy và tính xu thế. Trong khi đó, Twitter vẫn là một trong các nền tảng được nhiều nhân vật nổi tiếng, diễn giả, doanh nhân và chính khách sử dụng để chia sẻ quan điểm cá nhân.