Sau hơn 15 năm hoạt động, SCIC đã đạt được những kết quả tích cực trong việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và bán vốn nhà nước.
THU LÃI TRÊN 37.9000 TỶ ĐỒNG TỪ THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC
SCIC được ra đời với mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn.
Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 30.771 tỷ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận, SCIC đã đưa ra hàng loạt giải pháp nâng cao công tác quản trị tại doanh nghiệp như: áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến; phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; cử cán bộ của SCIC là đại diện vốn nhà nước tham gia kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp...
Đa số doanh nghiệp sau khi chuyển giao về SCIC có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Trong số các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận, đến nay chỉ có 23 doanh nghiệp nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ.
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong toàn danh mục đạt khoảng 19%, đặc biệt có một số doanh nghiệp ROE bình quân rất cao, trên 30% như: Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (74%), Cty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (69%), CTCP sữa Việt Nam (33%), CTCP viễn thông FPT (34%)….
Sau 15 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Đến 30/11/2021, SCIC thu lãi hơn 37.900 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn nhà nước.
Lũy kế từ khi thành lập đến 30/6/2021, SCIC đã bán vốn tại 1.020 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 916 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 104 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp).
Không những vậy, danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư mà SCIC đang quản lý (khoảng gần 150 khoản đầu tư) có giá thị trường ước đạt gần 202.130 tỷ đồng, tang 163.524 tỷ đồng so với giá vốn. Vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 59.372 tỷ đồng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, SCIC thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc cổ phần hoá, thoái vốn, bán vốn tại nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, mang lại lợi nhuận. Cơ chế, chính sách, tổ chức của SCIC ngày càng hoàn thiện và gần như hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
CHUYỂN TRỌNG TÂM SANG ĐẦU TƯ KINH DOANH VỐN
Với vai trò cổ đông năng động, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi được tái cơ cấu, xử lý tồn tại về tài chính, đã được bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước, tiêu biểu như: Vinamilk, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Khách sạn Kim Liên...
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp công tác bán vốn của SCIC thành công. Nhiều thương vụ bán vốn tại doanh nghiệp tạo tiếng vang và hiệu quả lớn. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016, đợt bán vốn tại Vinamilk được vinh danh là một trong 10 thương vụ tiêu biểu nhất của thập kỷ 2009-2018 và được bình chọn là Thương vụ tiêu biểu trong lĩnh vực đầu tư và phát hành riêng lẻ năm 2017 – 2018. Đợt bán cổ phần Nhựa Bình Minh năm 2018 được bình chọn là Thương vụ tiêu biểu hạng mục mua lại năm 2017 – 2018.
Sau 15 năm hoạt động, SCIC trở thành tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, hoạt động dưới mô hình tổng công ty nhà nước để triển khai một trong những chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước, chuyển từ cơ chế hành chính sang đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.
Kết quả hoạt động của SCIC đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. SCIC đã đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý. Với kinh nghiệm, thành quả tích luỹ thời gian qua, đây là thời cơ để SCIC chuyển trọng tâm sang tập trung đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đến nay, Chính phủ mong muốn SCIC trở thành nhà đầu tư sử dụng hiệu quả vốn nhà nước vào nền kinh tế quốc dân. Trong đó, SCIC đầu tư các ngành nghề, doanh nghiệp vừa có tính chất định hướng nền kinh tế, vừa tạo ra lợi nhuận cao nhất cho vốn nhà nước, đồng thời, có thể đảm bảo cung ứng tốt nhất hàng hoá dịch vụ thiết yếu cho xã hội.
“Vai trò, vị trí của Chính phủ trong nền kinh tế Việt Nam khác với quốc gia khác. Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu công bằng giữa các vùng miền, các khu vực và đảm bảo sự hài hoà trong xã hội. Vì vậy, việc tham gia của nhà nước vào nền kinh tế rất quan trọng. Đã đến lúc, vai trò của SCIC cần phát huy ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu trên. Việc trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ sẽ góp phần giúp SCIC đầu tư kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả”, ông Thịnh cho biết.
Với thành công gặt hái trong 15 năm qua, SCIC về cơ bản đã hoàn thành “sứ mệnh” bán vốn nhà nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, với vai trò cổ đông lớn, SCIC đã đồng hành, giúp DN từng bước nhằm vượt qua khó khăn. Bước sang giai đoạn mới, SCIC đã và đang có điều kiện sẵn sàng trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ, hứa hẹn nhiều đổi mới cho hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.