September 29, 2021 | 14:35 GMT+7

Sẽ có 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp

Nhật Dương -

Dự kiến có khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng, với số tiền trên 8.000 tỷ đồng....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh hỗ trợ bằng tiền cho người lao động, Nghị quyết cũng quy định về việc giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Đối tượng thuộc diện thụ hưởng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

 
Với 386.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền dự kiến sẽ là trên 8.000 tỷ đồng.

Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng trong 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẽ có khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này. Đánh giá về việc giảm mức đóng trên đến các doanh nghiệp, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, với 386.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền dự kiến sẽ là trên 8.000 tỷ đồng.

Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp cho người lao động, đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. “Doanh nghiệp giống như một cây xanh, khi được chăm sóc tốt sẽ tạo ra quả ngọt để cả doanh nghiệp và người lao động cùng được hưởng”, ông Lê Hùng Sơn cho biết.

Ông Lê Hùng Sơn cũng nhấn mạnh, đối với các đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng đánh giá, gói hỗ trợ là rất cần thiết trong thời điểm này vì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng quyền lợi người lao động vẫn sẽ được đảm bảo như trước.

Theo ông Mạc Quốc Anh, đối với người lao động, doanh nghiệp thì một đồng cũng quý trong thời điểm này. Bởi lẽ, với chi phí này, các doanh nghiệp sẽ dành để phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Điều 43 Luật Việc làm về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp quy định, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate