September 25, 2021 | 19:55 GMT+7

Hỗ trợ tiền mặt từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho lao động khó khăn vì Covid-19

Nhật Dương -

Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời giảm mức đóng vào Quỹ cho người sử dụng lao động, trong thời gian từ ngày 1/10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

HỖ TRỢ TIỀN MẶT TỪ KẾT DƯ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Theo Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Trong đó, với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng, mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng, hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, mức hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, mức hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, mức hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên, hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

GIẢM ĐÓNG QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CHO NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG 

Nghị quyết cũng quy định về việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Đối tượng thuộc diện thụ hưởng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng trong 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự toán thu, chi và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Chính phủ cũng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate