Cử tri bức xúc vì tham nhũng chưa được đẩy lùi, đại biểu cho rằng tham nhũng ngày càng tinh vi, Chính phủ “thanh minh“ việc đánh giá tình hình tham nhũng hiện còn khó khăn, do giải pháp để đo lường chỉ vừa mới được triển khai thực hiện.
Tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, có không ít con số được đánh giá là "giảm".
Như, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước).
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10 % số bị can cùng kỳ năm trước). Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, năm 2010, tội phạm tham ô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong số các vụ án tham nhũng bị khởi tố (51,5% số vụ; 54,9% số bị can); tội nhận hối lộ chiếm 11,1% số vụ, 7,7% số bị can; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm 12,7% số vụ, 9,1% số bị can; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm 17% số vụ, 21,1% số bị can. Còn lại là các tội danh khác.
Tuy nhiên, trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9 %; cấp quận, huyện: 22,5 %; cấp tỉnh: 13,1 %; cấp Trung ương chỉ chiếm 0,3%; các tổ chức khác: 33,2%.
Trong số bị cáo đã xét xử, có 5 trường hợp toà án tuyên không có tội; 166 trường hợp cho hưởng án treo; 109 trường hợp phạt tù dưới 3 năm; 85 trường hợp phạt tù từ 3 năm đến dưới 7 năm; 51 trường hợp phạt tù từ 7 năm đến dưới 15 năm; 10 trường hợp phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Số còn lại phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ...
Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8 ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1 ha đất; số còn lại đang tiếp tục thu hồi.
Năm 2010 có 20 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị với tổng giá trị 123 triệu đồng, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, hàng loạt những con số trên đây cũng chưa đủ để Chính phủ “tự tin” đưa ra những đánh giá chính xác về tình hình tham nhũng. Bởi một số giải pháp nhằm đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng mới đang trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết.
Cũng vì lý do này mà nhận định tình hình tham nhũng năm 2010 của Chính phủ được "thông qua dư luận quần chúng, đánh giá của các tổ chức quốc tế và với việc các vụ án tham nhũng còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp. Một số đối tượng tham nhũng lại là người trong cơ quan bảo vệ pháp luật..."
Theo đó, tình hình tham nhũng tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn.
Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công. Dư luận quần chúng vẫn còn bức xúc trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, Chính phủ nhìn nhận.
Đây cũng là thực tế được không ít đại biểu lo ngại tại phiên thảo luận sáng 22/10. Đại biểu Ngô Minh Hồng (Tp.HCM), cho rằng tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu hiện nay ngày càng tinh vi. Đi bệnh viện nếu không có bao thư nhét vào túi bác sĩ thì sợ bị đau, không được tư vấn chu đáo… nên cứ làm vậy cho chắc ăn. Trong trường học cũng vậy. “Chính cái này đảo lộn giá trị xã hội. Chưa kể việc chạy dự án, hoa hồng, chung chi, bôi trơn như là acid ăn mòn dần dần, từ từ xã hội hiện nay”.
Nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong phòng chống tham nhũng, tồn tại chủ yếu, theo Chính phủ, vẫn là việc chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng hiệu quả chưa cao. Năm 2010 chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thuộc các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng tháp, Gia Lai, Hải Dương, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Phòng và ngành công an. Trong đó riêng ngành công an đã có 9 đơn vị tự kiểm tra nội bộ phát hiện 17 vụ, 20 người có hành vi tham nhũng.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ đang xây dựng tiêu chí đo lường, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hoàn thiện cơ chế và các tiêu chí báo cáo công tác phòng chống tham nhũng. Xây dựng kế hoạch thực hiện các cuộc điều tra hằng năm về chi phí không chính thức của hộ gia đình, doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ quan nhà nước...
Khi các hoạt động này có kết quả sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra những nhận định, đánh giá cụ thể, toàn diện về tình hình tham nhũng và hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ cho biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate