November 19, 2009 | 13:47 GMT+7

Thủ tướng: Không bỏ sót, không làm oan khi chống tham nhũng

Minh Thúy

Sau 90 phút trình bày báo cáo giải trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn 75 phút trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội

Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng nay - Ảnh: Lưu Quang Phổ.
Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng nay - Ảnh: Lưu Quang Phổ.
Sau 90 phút trình bày báo cáo giải trình, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn 75 phút trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.

Vì vậy, có đến 11 đại biểu đã đăng ký nhưng không được chất vấn trực tiếp Thủ tướng.

Nội dung đã chất vấn của 11 lượt đại biểu tập trung vào trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng trong phòng chống tham nhũng, phát triển thủy điện, trật tự kỷ cương…
 
“Thủ tướng đã trả lời thẳng thắn, rành mạch, cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Vụ PCI: Không bỏ sót, không làm oan

"Tình hình tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ án trọng điểm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử quá chậm và có biểu hiện "đầu voi đuôi chuột". Trong khi đó hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu không quyết liệt như thời gian đầu, nhiều ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động còn mờ nhạt, kém hiệu quả gây thất vọng và nghi ngờ trong nhân dân. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết".

Đại biểu Lê Văn Cuông đã mở đầu phiên chất vấn như vậy.

Thủ tướng trả lời, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình. Nhưng theo nhận định chung, tình hình vẫn còn phức tạp.

Ngay khi xác định vấn đề này, Đảng đã xác định là phải đấu tranh kiên quyết, kiên trì với nhiều giải pháp, từ giáo dục đến hoàn thiện thể chế, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, nâng cao đời sống cán bộ công chức. Các vụ việc được phát hiện đều chỉ đạo điều tra, truy tố xét xử đúng pháp luật.

"Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng chúng tôi đã kiểm điểm và thấy rằng đã làm được nhiều việc nhưng cần phải tiếp tục triển khai kiên quyết đồng bộ hơn", Thủ tướng trả lời với cương vị trưởng ban.

Về ban chỉ đạo phòng chống ở địa phương, theo Thủ tướng thì đã có đánh giá, nhưng có nơi mới vừa thành lập, đang kiện toàn.

"Trưởng ban chỉ đạo đồng thời là chủ tịch tỉnh, liệu có dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" hay không?", đại biểu Cuông trao đổi thêm.

"Ban chỉ đạo mới thành lập nên chúng ta đang phải chờ đợi một thời gian rồi mới có thể kết luận. Còn như thế nào là đá bóng, là thổi còi có lẽ chúng ta phải trao đổi thêm với nhau", Thủ tướng nói.

Cũng liên quan đến đấu tranh phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục chất vấn Thủ tướng về vấn đề ông đã nêu từ kỳ trước.

"Vụ PCI và một số nghi án tương tự trong thời gian vừa qua cho thấy đang lộ diện dần một số biểu hiện mới của tội phạm tham nhũng. Cụ thể là nhận hối lộ của tổ chức cá nhân nước ngoài, hối lộ tổ chức cá nhân nước ngoài, rửa tiền ở nước ngoài. Nhưng theo ý kiến trả lời báo chí của một số vị có trách nhiệm thì nước ta chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng kết quả của cơ quan điều tra nước ngoài của tòa án nước ngoài và một số trình tự thủ tục khác. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chuẩn bị như thế nào về mặt tư pháp cho hội nhập và sắp tới sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để phòng chống loại tội phạm này?".

"Những gì chúng ta phát hiện được, đã có chứng cứ, theo pháp luật Việt Nam, chúng ta đã truy tố và xét xử ông Sỹ (nguyên trưởng ban quản lý dự án – PV) và một số người liên quan theo pháp luật Việt Nam, theo những chứng cứ tư pháp, pháp luật có được. Đồng thời yêu cầu Nhật Bản cung cấp những chứng cứ mà bạn có được", Thủ tướng trả lời.

Theo Thủ tướng, việc xem xét xử lý phải bảo đảm tinh thần đúng người đúng tội, không bỏ sót tội, nhưng không làm oan. Và qua thực tiễn này, khiếm khuyết của pháp luật Việt Nam như thế nào trong tình hình mới cần có bổ sung thì sẽ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất để hoàn thiện, bảo đảm quản lý xã hội tốt hơn, phù hợp hơn trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Mặc dù đại biểu không đề cập, song Thủ tướng cũng cho biết, khi báo chí Úc đưa tin về việc có doanh nghiệp của Úc hối lộ để được in tiền cho Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng Việt Nam tìm hiểu và kiểm tra, đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao làm việc với phía Úc. "Bạn cũng trả lời chính thức đang điều tra và sẵn sàng khi nào có kết luận chính thức cung cấp cho Việt Nam".

"Tóm lại đối với những việc mà có thông tin từ bên ngoài là đưa hối lộ cho công chức nào đó, quan chức nào đó của Việt Nam mà chúng tôi đều quan tâm và yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp để bàn, để tìm hiểu, để xem xét xử lý một cách nghiêm túc theo đúng pháp luật của Việt Nam, đúng người đúng tội, với tinh thần không để sót tội phạm nhưng cũng không làm oan cho một người nào", Thủ tướng “kết”.

Ưu tiên mục tiêu nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và đại biểu Nguyễn Đình Xuân đều chất vấn về vấn đề xử lý cán bộ khi có sai phạm để đảm bảo kỷ cương.

"Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu nếu như địa phương nào để mất rừng thì người lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Thưa Thủ tướng, trong 5 năm vừa qua mỗi năm chúng ta mất 51 nghìn ha rừng, trong đó 20 nghìn ha rừng do chuyển đổi sang mục đích, khác trong khi pháp luật quy định rất chặt chẽ trên 200 ha rừng đặc dụng và 1.000 ha rừng sản xuất đã phải trình Quốc hội và chỉ có Thủ tướng mới có quyền điều chỉnh các khu rừng đặc dụng và vườn quốc gia. Tuy nhiên, các địa phương đã vận dụng pháp luật một cách tương đối tùy tiện và làm mất rất nhiều rừng, nhưng Thủ tướng chưa kỷ luật ai. Vậy xin hỏi Thủ tướng, khi nào Thủ tướng sẽ làm việc này?".

Thủ tướng trả lời, nếu đất nước này, Nhà nước này không có kỷ luật, kỷ cương hành chính thì chúng ta không đạt thành tựu như vừa qua”.

Theo Thủ tướng,  nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương có thể nói rất nghiêm túc, trách nhiệm với mệnh lệnh của cấp trên, nghị quyết của cấp trên, trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, với địa phương mình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đối phó với thiên tai bão lũ, trong trách nhiệm với nhân dân.

Nhưng bên cạnh cái tốt, cái ưu điểm, cái đa số đó thì vẫn còn một bộ phân, việc này việc khác chưa nghiêm. "Tôi nghĩ đây là quá trình phát triển, có còn mặt chưa thật tốt. Chúng ta tiếp tục phấn đấu".

Còn xử lý kỷ luật, theo Thủ tướng phải theo trình tự, quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc.

“Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng có lần cũng nói, đồng chí có lẽ làm Thủ tướng lâu nhất của đất nước, nhưng đồng chí chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào từ đồng chí chủ tịch xã, phường trở lên. Hơn 3 năm nay tôi làm Thủ tướng tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng. Trên tinh thần đó rất mong cả hệ thống chính trị của chúng ta có trách nhiệm cùng nhau, các đồng chí đứng đầu địa phương mà nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta cũng không mong muốn có kỷ luật, có xử lý”, Thủ tướng đáp.

Đại biểu Xuân chưa hài lòng: "Chúng ta hiện nay có rất nhiều mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Chúng ta vừa muốn giữ rừng để giữ sinh mạng cho đồng bào chống hạn hán, lũ lụt, chúng ta lại vừa muốn trồng cà phê, cao su, chúng ta lại muốn làm thủy điện và cũng muốn khai thác quặng mỏ. Chúng ta không muốn kỷ luật các vị đứng đầu nhưng chúng ta cũng muốn bảo vệ mạng sống cho anh em kiểm lâm và giữ rừng. Như vậy thì trong số những mục tiêu mâu thuẫn nhau như thế này thì Thủ tướng sẽ chọn những mục tiêu nào là mục tiêu ưu tiên? Nếu mà chúng ta chọn mục tiêu như nhau cả tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu nào cả".

"Thủ tướng thì luôn luôn chọn mục tiêu nào có lợi nhất, lợi ích tổng hợp", Thủ tướng khẳng định.

Sẽ có hội đồng đánh giá về thủy điện

Trả lời một số chất vấn liên quan đến thủy điện, Thủ tướng cho biết khi quy hoạch thủy điện thì vừa phải đảm bảo yêu cầu phát điện, bảo đảm yêu cầu cung cấp nước cho sản xuất, cho sinh hoạt, yêu cầu tham gia vào cắt lũ, chặn lũ, giảm lũ cho hạ lưu, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Theo Thủ tướng, có những việc chúng ta chưa lường trước và dự báo hết được, chúng ta chưa dự báo hết được, không phải do năng lực, trình độ mà do biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thiên tai.

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo ba việc. Thứ nhất, rà soát lại quy hoạch thủy điện, căn cứ vào diễn biến mới nhất của kịch bản biến đổi khí hậu và thực tế diễn biến phức tạp của bão lũ vừa qua. “Chúng tôi đã chính thức yêu cầu và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chấp hành việc này và đang lập đoàn để kiểm tra và sẽ có hội đồng đánh giá nghiêm túc’, Thủ tướng cho biết.

Thứ hai, yêu cầu ban hành một bộ tiêu chí để xem xét, thẩm định, phê duyệt từng dự án thủy điện.

Thứ ba, yêu cầu đánh giá lại để điều chỉnh quy trình vận hành đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

“Chúng ta kiên định phải làm thủy điện với đa mục tiêu như thế. Nhưng mà phải làm chặt chẽ quy hoạch, chặt chẽ quy trình thẩm định, chặt chẽ về quy trình vận hành. Và trên một hệ sông nào có nhiều bậc thang thủy điện, nhiều hồ chứa thì phải có quy trình vận hành liên hồ chứa", Thủ tướng nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate