June 12, 2022 | 16:18 GMT+7

Sẽ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm, tiến tới 10 năm

Phúc Minh -

Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm, rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm; sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình…

Lãnh đạo Chính phủ giải đáp những thắc mắc của công nhân. Ảnh - VGP.
Lãnh đạo Chính phủ giải đáp những thắc mắc của công nhân. Ảnh - VGP.

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 12/6 tại Bắc Giang, nhiều vấn đề “nóng”, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội…đã được các công nhân đặt câu hỏi với lãnh đạo Chính phủ.

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. HCM, đặt câu hỏi, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần. Nữ công nhân này cũng bày tỏ, biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng do khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là một tỷ lệ thấp.

Trong quý 1, 2/2022, có tình trạng một tỷ lệ nhất định người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. “Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đối với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. “Trước đây, chúng ta quy định 20 năm, dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ”, Bộ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%, Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của công nhân ngày 12/6. Ảnh - VGP. 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của công nhân ngày 12/6. Ảnh - VGP. 

Luật cũng sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.

Bổ sung phần trả lời về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Theo Thủ tướng, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.

Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình đối thoại với công nhân. Ảnh - VGP. 
Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình đối thoại với công nhân. Ảnh - VGP. 

Cũng liên quan đến bảo hiểm xã hội, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc đặt vấn đề về tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động về vấn đề này.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua, các địa phương đã rất cố gắng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhiều, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.

Tuy nhiên, giữa hành vi trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm rất khó phân biệt. Bộ luật Hình sự quy định rất rõ nếu trốn đóng bảo hiểm thì xử lý theo luật hình sự. Nhưng khái niệm giữa chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm chưa rạch ròi. “Khi chúng tôi kiểm tra, thanh tra thì doanh nghiệp nói chỉ chậm đóng chứ không trốn đóng bảo hiểm. Bộ đã phối hợp với Hội đồng thẩm phán ra Nghị quyết số 05. Tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cho rằng đây là vấn đề đang nổi lên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu. Trên cơ sở đó rà soát lại các quy định của pháp luật, khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm. “Ai chưa chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung, ai làm tốt phải khuyến khích, tổng kết, nhân rộng mô hình. Sai đến đấu xử lý đến đó, phải tổng kết những mô hình hay, cách làm tốt phải nhân rộng”, Thủ tướng nói và giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình, đánh giá tình hình để có giải pháp phù hợp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate