Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan như Trung tâm Quản lý đường thủy, Cảng vụ Đường thủy nội địa… đề xuất triển khai và đã có 3 phương án được đặt ra đối với vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi sân bay Long Thành.
Các đơn vị này đang rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng luồng, tuyến, bến cảng, bến thủy nội địa, phương tiện vận chuyển thủy nội địa đề và xuất các phương án đưa đón hành khách bằng đường thủy như mô hình buýt sông, thủy taxi, tàu cao tốc... Theo tính toán, từ TP.HCM đi sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) có nhiều lợi thế về đường sông do hành trình nằm dọc tuyến sông Sài Gòn – Đồng Nai, đã có nhiều bến, cảng đang hoạt động.
Phương án 1: Đi bằng tàu cao tốc. Hành trình như sau (4 tuyến): Từ bến tàu Bạch Đằng - bến du thuyền Aqua City (sông Đồng Nai, thuộc khu đô thị Aqua City); từ bến tàu Bạch Đằng - bến du thuyền Swan Bay (thuộc dự án Hoa Sen Đại Phước, cù lao Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); từ bến thủy Phú Xuân - Phước Khánh đến bến du thuyền Swan Bay - bến du thuyền Aqua City; từ bến Bạch Đằng - bến Long Tân.
Tổng cự ly: 50 km; thời gian hành trình dự kiến từ 1 giờ 10 phút đến 1 giờ 25 phút.
Phương án 2: Qua sông. Hành trình: Từ Bình Khánh (huyện Nhà Bè) qua Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); từ khu đô thị Vinhome Grand Park qua bến du thuyền Aqua City (kết nối hành khách bằng đường thủy). Tại Nhà Bè có bến khách ngang sông Phú Xuân - Phước Khánh có kết cấu bến liền bờ, sàn bê tông cốt thép, được tiếp nhận ghe, tàu thủy đến dưới 100 hành khách.
Cự ly thủy trình qua sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu khoảng 2,6 km; thời gian hành trình 25 - 35 phút. Cự ly bằng đường bộ: Đầu bến khách ngang sông phía Nhơn Trạch - kết nối đoạn đường 650 m - đường Phạm Thái Bường - đường tỉnh 769D (tức đường 25C) - sân bay Long Thành, dài khoảng 24,75 km; thời gian hành trình từ 40 - 45 phút.
Phương án 3: Tận dụng phà Cát Lái hiện có khi chưa xây cầu. Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ cho tăng tốc khai thác bến phà Cát Lái (nối TP.HCM đi Nhơn Trạch, Đồng Nai). Cụ thể, sẽ nâng cấp cầu bến, tăng tần suất khai thác phà vận chuyển ô tô, hành khách; giải quyết lưu lượng ô tô thông qua phà Cát Lái - đường Nguyễn Thị Định. Lợi thế của phương án này là đường bộ thuận lợi do hạ tầng giao thông hiện có.
Lợi thế chung của cả 3 phương án nói trên là dọc theo hành trình đều có khu dân cư, thị tứ, vùng sinh sống của người dân; ngoài ra, dọc tuyến đang có nhiều bến, cảng khai thác hiện hữu, không phải đầu tư nhiều, lại thuận lợi cho bà con trong việc đi lại.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết đã đề nghị Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Đồng Nai, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM... có ý kiến góp ý các phương án nói trên, gửi về Sở trước ngày 15/6/2024 để đơn vị này cập nhật vào các quy hoạch đang triển khai, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.