March 29, 2024 | 04:01 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải thúc tiến độ các dự án cao tốc, vành đai trọng điểm qua Đồng Nai

Anh Tú -

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thi công để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM...

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 TP.HCM, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành và các dự án đường sắt đang được đẩy nhanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 TP.HCM, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành và các dự án đường sắt đang được đẩy nhanh.

Cử tri thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) phản ánh tình trạng tai nạn giao thông và kẹt xe thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực tỉnh Đồng Nai.

Do đó, cử tri thành phố Biên Hòa đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp, cải tạo, mở thêm các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc để thuận tiện giao thông cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 1 từ Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chiều dài 2.482 km, đạt tiêu chuẩn cấp III, 04 làn xe.

Trong đó, Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 114 km gồm (i) đoạn tuyến hiện hữu có chiều dài 101,8 km đã được nâng cấp, mở rộng với quy mô 04 làn xe, nền đường rộng 20,5m, có giải phân cách cứng giữa hai chiều xe chạy; (ii) tuyến tránh thành phố Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) dài 12,2 km đang khai thác với quy mô 06 làn xe, mốc lộ giới 77m.

"Như vậy, hiện nay Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng đáp ứng quy mô theo quy hoạch", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Về tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu “đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc” và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó xác định “ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông”.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án động lực quan trọng, cấp bách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ đã hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 100km từ tháng 4/2023 góp phần giảm lưu lượng, ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thi công để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM.

Đồng thời, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” và khu bến cảng container Cái Mép.

Về tiến độ các dự án cao tốc đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 34km hiện vẫn chậm bàn giao mặt bằng, do khó khăn xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân. Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.

Đồng thời, chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến độ xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi tiến độ đoạn cao tốc này qua Đồng Nai đang bế tắc thì phía Bà Rịa - Vũng Tàu lại băng băng về đích, dự kiến hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.

Còn dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau gần 1 năm tái khởi động, dự án đang khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng để đáp ứng tiến độ. Các đơn vị đang phấn đấu đưa một phần tuyến vào khai thác trước tháng 10/2024 và thông xe toàn tuyến trong năm 2025.

Với dự án vành đai 3 TPHCM, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 11km được khởi công từ tháng 6/2023 nhưng đến nay vẫn đang chậm tiến độ do trong quá trình thực hiện công tác kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc đất của một số thửa đất.

Đáng chú ý, hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai, các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 TP.HCM, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt liên kết vùng Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ…

Sau khi các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm nêu trên hoàn thành theo đúng kế hoạch, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch tỉnh.

Từ đó, sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, tăng cường liên kết vùng, đồng thời tạo thành bộ khung kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu lưu thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate