Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định, người lao động sẽ được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, nhưng phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Theo như lý giải của những người có trách nhiệm, trong đó có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội Doãn Mậu Diệp, quy định mới này giúp người lao động được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Một số quan chức khác ví đây như là những đồng lương chính đáng của người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với thực tiễn, nhiều ý kiến từ công nhân, người lao động phản đối quy định này.
Trong đó nổi lên việc công nhân thuộc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam tại Tp.HCM đã đình công trong hai ngày 26 - 27/3 để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại điều 60 nói trên.
Một công nhân cho biết, theo quy định cũ thì sau một năm nghỉ việc, người lao động sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội mà họ đã đóng góp. Tuy nhiên, theo luật mới thì phải chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới được lĩnh.
"Ai biết được là chúng tôi có sống đến khi đủ tuổi nghỉ hưu không mà còn nhận?", công nhân này nói.
Một chính sách được xem là có lợi cho người lao động, nhưng tại sao lại bị phản đối kịch liệt? Câu hỏi này đã được báo giới gửi tới Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo chiều tối 1/4.
Theo Bộ trưởng Nên, những ngày qua, Chính phủ và Thủ tướng đã “rất sốt ruột” chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Tp.HCM làm hết sức mình để vận động, thuyết phục người lao động đang có những phản ứng về điều 60.
Trong phiên họp ngày 1/4, sau khi bàn bạc, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đi đến thống nhất đánh giá rằng: “Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội là một bước tiến, lo cho người lao động ổn định lâu dài”.
Tuy nhiên, khi lấy ý kiến chuẩn bị cho hướng dẫn triển khai đưa luật đi vào cuộc sống thì gặp phải sự không đồng thuận của đa số người lao động, trước hết là tại một công ty ở Tp.HCM.
Sau khi bàn bạc, thống nhất, Chính phủ thấy rằng ý kiến, đề nghị của đa số công nhân đưa ra những ngày qua là có cơ sở chính đáng. Vì lẽ đó, Chính phủ thống nhất với đề nghị của lãnh đạo Tp.HCM và tinh thần lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng.
“Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại điều 60, sửa một phần của điều 60 là để cho người công nhân được chọn lựa giải quyết hưởng bảo hiểm một lần như hiện nay. Bởi vì thực tế có một bộ phận lớn công nhân thấy rằng điều kiện để thực hiện theo điều 60 là không phù hợp với cuộc sống của họ”, Bộ trưởng Nên cho biết.
Cũng theo ông Nên, hiện nay Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi mọi người lao động với thông tin rằng: từ nay đến ngày 31/12/2015, mọi chế độ đang thực hiện không có gì thay đổi.
Theo Bộ trưởng Nên, sau khi bàn bạc, Chính phủ đã thống nhất sẽ kiến nghị Quốc hội để xem xét lại điều 60, và nếu không có gì thay đổi, ngày 20/5 tới, khi Quốc hội nhóm họp giữa năm, Chính phủ sẽ kiến nghị để Quốc hội xem xét lại.
“Chúng tôi thấy rằng đề nghị của Chính phủ thể theo nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động là hợp lý, phù hợp trong tình hình hiện nay. Báo chí cần thông tin kịp thời lại và kêu gọi tất cả những người lao động hiện nay còn đang có những lo lắng, vướng mắc vấn đề này thì hãy yên tâm trở lại làm việc bình thường, không nghe các lời kích động, xúi giục”, Bộ trưởng Nên nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate