Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong văn bản trả lời cử tri về tình trạng hiện nay việc quản lý dữ liệu thông tin cá nhân người dùng điện thoại di động của các nhà mạng chưa đạt hiệu quả. Nhiều cuộc gọi và tin nhắn rác về vay vốn, giới thiệu các dự án bất động sản, làm bằng cấp giả, lừa đảo trúng thưởng… gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự, an toàn ở địa phương.
Đồng thời kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan cần có những quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng đồng thời xử lý nghiêm các hành vi trên.
Trong văn bản trả lời vừa được đăng tải công khai, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông, trong thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng và đã được cụ thể hóa trong Luật Viễn thông (Điều 6), Luật An toàn thông tin mạng (Điều 7), Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Điều 84), chế tài xử lý hình sự đối với hành vi đưa hoặc bán, sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (bao gồm thông tin riêng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân) trong Bộ luật hình sự năm 2015 (Điều 288).
"Hiện nay giao dịch online, mạng xã hội, mua bán bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm... đã trở nên phổ biến và để sử dụng thì người dùng đều phải cung cấp thông tin trong đó có thể gồm các thông tin về đặc điểm cá nhân của người dùng về sở thích, thói quen, ... vì vậy nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân từ các nguồn này là rất cao".
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông tin SIM di động sai quy định. Đến nay các nhà mạng di động đều đã ban hành và triển khai nghiêm túc quy chế bảo vệ cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của khách hàng.
Nghị định số 15/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 15/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2020 (đã được hợp nhất tại văn bản số 08/VBHN-BTTTT ngày 20/7/2022) đã quy định hơn 80 hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 84, 85, 86, 87, 88, 99, 100, 102 nhằm xử phạt vi phạm đối với các đối tượng thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân; vi phạm quy định về đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin (bao gồm các hệ thống thông tin quản lý thông tin thuê bao, dữ liệu cá nhân) với mức phạt lên đến 100 triệu đồng/hành vi.
Đồng thời quy định các biện pháp như buộc xóa bỏ thông tin đã thu thập, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do mua bán thông tin cá nhân. Nghị định cũng đã bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, phát tán thông tin số có nội dung vi phạm pháp luật với mức phạt đến 170 triệu đồng/hành vi, buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết qua xác minh, kiểm tra nội dung các tin nhắn, cuộc gọi tự động cho thấy nhiều thông tin cá nhân của người dùng bị thu thập, lợi dụng để thực hiện tin nhắn, cuộc gọi mang tính định hướng đến đặc điểm cá nhân (khả năng tài chính, nhu cầu tiêu dùng...) của người dùng. Những thông tin về đặc điểm cá nhân này không thuộc thông tin thuê bao mà các nhà mạng đang quản lý.
Hiện nay giao dịch online, mạng xã hội, mua bán bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm... đã trở nên phổ biến và để sử dụng thì người dùng đều phải cung cấp thông tin trong đó có thể gồm các thông tin về đặc điểm cá nhân của người dùng về sở thích, thói quen, ... vì vậy nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân từ các nguồn này là rất cao. Qua đó cho thấy tình trạng rò rỉ, lộ lọt thông tin người dùng không hoàn toàn xuất phát từ phía các nhà mạng mà đa phần là từ các tổ chức, cá nhân khác.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người dùng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các vi phạm trong việc mua bán thông tin cá nhân, thực hiện nhắn tin, phát tán cuộc gọi rác trong quý 4/2022; tiếp tục triển khai tuyên truyền đến người dân và xã hội về tầm quan trọng của việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân.
Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.