October 28, 2024 | 11:26 GMT+7

Siết chặt quản lý việc mua, bán thuốc để người dân mua được thuốc an toàn

Nhật Dương -

Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc mua, bán thuốc theo cả phương thức truyền thống lẫn qua thương mại điện tử. Đặc biệt, cấm lợi dụng những hành vi kê đơn thuốc để bán thuốc cho bệnh nhân nhằm thu lợi bất chính...

Quản lý việc mua bán thuốc để đảm bảo chất lượng đến tay người dân. Ảnh minh họa.
Quản lý việc mua bán thuốc để đảm bảo chất lượng đến tay người dân. Ảnh minh họa.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang được trình Quốc hội cho ý kiến, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội mới tháo gỡ những vấn đề cấp bách của ngành Dược, trong đó có mua bán, kinh doanh thuốc.

TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN KHI MUA THUỐC NHƯNG CẦN ĐẢM BẢO AN TOÀN

Nêu quan điểm về việc bán thuốc qua thương mại điện tử trong một hội thảo về góp ý sửa đổi Luật Dược mới đây, ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, cho rằng việc này cần được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn đầy dủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được phản ứng của thuốc.

Về nguyên tắc, các công ty bán buôn không được phép bán lẻ đến người dân, vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.

Theo ông Tin, vấn nạn hàng giả trên internet đang là một mặt trận mới, khiến lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn. Do đó, ông đề nghị dự thảo Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân, cũng nêu thực tế hiện nay ở nước ta, người dân vào cửa hàng thuốc có thể mua được bất kỳ loại thuốc chữa bệnh nào theo nhu cầu, nếu cơ sở kinh doanh thuốc đó có. Vì liên quan đến sức khoẻ của con người nên việc kinh doanh thuốc là loại kinh doanh có điều kiện.

Để bảo đảm sức khoẻ người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Tân đề nghị bổ sung thêm nội dung trong dự thảo Luật về việc bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc cho người tiêu dùng với 2 nhóm, gồm nhóm có đơn thuốc được bác sỹ kê tại cơ sở khám, chữa bệnh và nhóm không cần đơn thuốc.

Đồng thời, cần quy định rõ loại thuốc nào cần bán cho khách hàng phải kèm theo đơn thuốc được bác sỹ khám kê, loại thuốc nào khách hàng mua mà không cần phải có đơn thuốc được bác sỹ kê.

Liên quan đến quy định những hành vi bị cấm, trong đó có cấm “lợi dụng những hành vi kê đơn thuốc để trục lợi”, ông Tân cho rằng điều này hoàn toàn đúng song chưa đủ.

“Hiện có tình trạng không hiếm gặp là có sự thông đồng giữa nơi khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân và các cửa hàng kinh doanh thuốc, thường được bố trí ở gần nơi khám, kê đơn để bán cho bệnh nhân loại thuốc mà chỉ có ở cửa hàng thuốc do nơi khám, kê đơn chỉ định. Việc này có thể gây khó khăn cho người bệnh”, ông Tân dẫn chứng.

Vì vậy, ông đề nghị bổ sung thêm nội dung này cụ thể như sau: Cấm lợi dụng những hành vi kê đơn thuốc để trục lợi; sự thông đồng giữa việc khám, kê đơn thuốc và các cửa hàng kinh doanh thuốc theo chỉ định để bán thuốc cho bệnh nhân nhằm thu lợi bất chính, gây khó khăn cho người bệnh.

HÀI HÒA LỢI ÍCH KHI SỬA ĐỔI NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp rất kỳ vọng luật sửa đổi lần này được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục được bất cập, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường pháp lý thông thoáng, ổn định lâu dài để doanh nghiệp có động lực và an tâm xây dựng định hướng đầu tư, phát triển hoạt động.

Đảm bảo vấn đề cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ảnh: Phương Thảo.
Đảm bảo vấn đề cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ảnh: Phương Thảo.

Theo bà Thư, nhiều nội dung bất cập, vướng mắc của các doanh nghiệp phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Dược đã được tiếp thu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Trong đó có những nội dung mang tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp dược và sự phát triển của ngành dược Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách của Nhà nước về dược và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược như: Các chính sách ưu đãi đầu ra như mua thuốc, thanh toán từ nguồn kinh phí sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định đấu thầu tại cơ sở y tế công lập đối với một số nhóm thuốc được nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Hay chính sách hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm…

Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc...

Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh quan điểm thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền khi sửa đổi Luật lần này là tập trung tháo gỡ một số điểm cấp bách của ngành Dược, những vấn đề “đã rõ, đã chín” và đã có trải nghiệm thực tế. Đối với nững vấn đề mang tính bao quát hơn, phạm vi rất rộng thì cần có thêm thời gian nghiên cứu.

“Nếu sửa đổi tổng thể Luật Dược dự kiến sẽ mất từ 1 - 2 năm nữa mới hoàn thiện. Như vậy sẽ không giải quyết vấn đề cấp bách nhất của ngành Dược là đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân. Bởi sau ngày 31/12/2024, nếu không có luật sửa đổi mới được ban hành, thì toàn bộ các thuốc gia hạn sẽ bị ách tắc”, ông Trung thông tin.

Theo ông Trung, vì tính chất cấp bách như vậy nên Quốc hội đã cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự kiến nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này, 1/3 điều khoản sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2025. “Những vấn đề chưa rõ, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung trong quá trình sửa đổi tổng thể Luật Dược lần tới”, đại diện Cục Quản lý Dược nói thêm.

Đề cập đến sửa đổi Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh đây là một luật rất chuyên ngành, vừa kinh tế, vừa xã hội. “Kinh tế bởi vì liên quan đến các doanh nghiệp, xã hội vì liên quan đến người dân. Cho nên, về phía quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì phải đứng trên nguyên tắc chung lợi ích của quốc gia, dân tộc, và quyền lợi của người dân Việt Nam”, bà Lan khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate