Ngày 26/3, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trì buổi họp để nghe báo cáo về các khó khăn vướng mắc của Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại huyện Nhơn Trạch.
Đại diện Ban Quản lý dự án, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, cho biết dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 thi công ước đạt hơn 72% so với hợp đồng đã ký kết, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên dự án đang gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.
Chủ đầu tư kiến nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất đối với phần diện tích còn lại của dự án khoảng 37ha. Đồng thời, dự án chưa được tỉnh quyết định cho thuê đất đợt 2, ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hợp đồng thu xếp vốn và giải ngân cho dự án nên cần được hoàn tất nhiệm vụ này trong tháng 4-2024.
Mặt khác giữa đơn vị cũng đang gặp vướng mắc về phí sử dụng hạ tầng Khu công nghiệp Ông Kèo với Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa. Để phục vụ dự án, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đường dây liên quan, đảm bảo tiến độ cấp điện thử nghiệm, giải tỏa công suất cho nhà máy khi phát điện thương mại.
Trước các khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư tiến hành rà soát lại những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong quá trình thi công dự án, đề nghị phía Khu công nghiệp tạo điều kiện cho chủ đầu tư và nhà thầu, đồng thời, chủ đầu tư cũng phải thông báo trước cho các đơn vị liên quan để có sự phối hợp chặt chẽ, tránh xảy ra những vướng mắc, xung đột.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án quan trọng của quốc gia do PV Power triển khai. Dự án có quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bổ sung 9 tỷ kWh điện/năm.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia với nhiều chỉ tiêu xếp hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như: Dự án sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam thời điểm này. Dự án sử dụng cấu hình 1:1:1 (tua-bin - lò hơi - máy phát) đầu tiên trong cả nước. Là một trong số ít tổ máy tua-bin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới. Dự án được thi công, lắp đặt bởi nhà thầu có uy tín là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - thành viên Liên danh Samsung C&T - Lilama.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam và thực hiện cam kết phát thải về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, dự án có ý nghĩa lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi cung cấp cho lưới điện khoảng 9 tỷ kWh/năm.