October 27, 2023 | 09:27 GMT+7

Singapore sẽ tiếp tục mở rộng thêm ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Nhật Dương -

Việt Nam và Singapore sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo hướng hợp tác kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng việc làm…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh tại cuộc tiếp ông Zaqy Mohamad, Bộ trưởng cấp cao của Nhà nước phụ trách Nhân lực và Quốc phòng Singapore. Ảnh - MOLISA.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh tại cuộc tiếp ông Zaqy Mohamad, Bộ trưởng cấp cao của Nhà nước phụ trách Nhân lực và Quốc phòng Singapore. Ảnh - MOLISA.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh quan điểm trên tại buổi tiếp Bộ trưởng cấp cao của Nhà nước phụ trách Nhân lực và Quốc phòng Singapore, ông Zaqy Mohamad.

BƯỚC TIẾN MỚI TRONG HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC 

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hiện nay quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu. Singapore hiện dẫn đầu ASEAN và đứng thứ 2 trên thế giới về vốn đầu tư tại Việt Nam với 3.095 dự án, tổng vốn 70,8 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn FDI đăng ký.

“Các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ..., mô hình VSIP đang hoạt động hết sức hiệu quả, đồng thời mở ra cơ hội quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác nhân lực giữa Việt Nam và Singapore theo hướng hợp tác kinh tế tri thức", Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá.

Hồi tháng 8, hai nước cũng đã ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và lao động. Bản ghi nhớ tập trung vào các hoạt động về chia sẻ điển hình tốt trong việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động địa phương; chia sẻ những điển hình tốt và các mô hình thành công về phát triển kỹ năng nghề, gắn phát triển nghề với nhu cầu của ngành và chuyên môn kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển kỹ năng nghề phù hợp.

Đồng thời, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và quản trị phát triển kỹ năng theo ngành và ở cấp quốc gia; trao đổi kinh nghiệm liên quan đến công nghệ số và chuyển giao công nghệ về giáo dục dạy nghề, để tăng cường đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và lồng ghép các kỹ năng xanh và bền vững vào chương trình đào tạo.

Bản ghi nhớ cũng hướng đến việc thúc đẩy trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực về đào tạo chất lượng cao cho 3 Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao của Việt Nam; tìm kiếm các lĩnh vực chia sẻ kiến thức khác mà hai Bên cùng quan tâm trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và lao động...

Ngoài bản ghi nhớ trên, hai nước cũng ký Biên bản ghi nhớ về “Chương trình Trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Singapore - Việt Nam” trong giai đoạn 2 năm. Mục đích nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển nguồn nhân lực và trao đổi tài năng trong khuôn khổ Hiệp định khung Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore.

Theo đó, mỗi năm sẽ có 300 chỉ tiêu cho các ứng viên đáp ứng các tiêu chí của chương trình từ cả Singapore và Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tìm kiếm các công việc ngắn hạn tại các vị trí liên quan đến đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp đủ điều kiện thuộc Chương trình.

Đối tượng tham gia là các chuyên gia, người lao động có trình độ cao tốt nghiệp tại các có sở đào tạo là thành viên Chương trình thuộc các lĩnh vực như kinh tế xanh, công nghệ nông nghiệp, dịch vụ tài chính, công nghệ y tế, chất bán dẫn/thông tin liên lạc…

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, việc ký kết hai Bản ghi nhớ trên là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Ông cũng đề nghị hai bên sớm thành lập nhóm công tác chung để thảo luận và triển khai các hoạt động thực hiện 2 Bản ghi nhớ đã ký kết.

Đề cập tới việc Việt Nam đang xây dựng 3 Trung tâm quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, Thứ trưởng mong muốn phía Singapore hỗ trợ, trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực về đào tạo chất lượng cao, đặc biệt liên quan đến quản trị, điều hành và giảng dạy của các Trung tâm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng mong muốn Singapore chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động; phân tích dự báo xu hướng nghề, việc làm và nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm trong môi trường công nghệ số.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đề xuất phía Singapore cân nhắc việc chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam theo hình thức Thị thực cấp phép việc làm (Visa Work Permit), mở rộng thêm các ngành nghề mà Singapore có nhu cầu, và tăng cường hợp tác trong hoạt động cung ứng thuyền viên tàu vận tải. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đang là thế mạnh của Singapore, như an toàn vệ sinh lao động, thanh tra lao động.

Về những đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng cấp cao của Nhà nước phụ trách Nhân lực và Quốc phòng Singapore, ông Zaqy Mohamad khẳng định, trong khả năng của mình Singapore sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm đối với Việt Nam, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao, an toàn vệ sinh lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate