June 29, 2023 | 11:01 GMT+7

Sổ bảo hiểm xã hội không thể được xem là một loại tài sản

Phúc Minh -

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng, cho vay phù hợp nhằm hỗ trợ người lao động trong bối cảnh bị ngừng việc, mất việc để phòng, ngừa tín dụng đen, nhất là tín dụng đen trong công nhân, người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong quá trình tiếp nhận ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan này đã nhận được công văn số 07/Ban IV của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng góp ý của Ban IV và nhận thấy các ý kiến góp ý là rất xác đáng, phù hợp cả quan điểm của Ban soạn thảo cũng như bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Đối với kiến nghị về chi phí lao động cần được giảm, Ban IV cho rằng cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản chi phí liên quan đến bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải trình, đây là những nội dung gồm giảm mức đóng về không, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động đã triển khai thực hiện.

Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động toàn diện để trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp nhất.

Đối với nội dung liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội, quy định tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tại Điều 88 của Luật đã quy định cụ thể các trường hợp được tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP đã quy định các trường hợp được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất như: Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế, hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Bên cạnh đó, Luật cũng giao Chính phủ quy định các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn.

Về kiến nghị hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm), và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết tiếp thu ý kiến của Ban IV, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban soạn thảo thống nhất không ban hành thêm các văn bản mới, điều kiện, thủ tục tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ người lao động, đồng thời giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.

Giải trình nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đây là vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do bị ngừng việc, mất việc.

Do vậy, Bộ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng, cho vay phù hợp nhằm hỗ trợ người lao động trong bối cảnh bị ngừng việc, mất việc để phòng, ngừa tín dụng đen, nhất là tín dụng đen trong công nhân, người lao động.

Theo các chuyên gia, dù chưa có quy định cho người lao động được sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng, song thực tế thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm, hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tái diễn. Việc thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội cũng dẫn đến tình trạng “tín dụng đen”, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, sổ bảo hiểm xã hội không phải là một loại giấy tờ tùy thân, một loại tài sản hoặc một loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản (giống như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cổ phiếu hay sổ tiết kiệm…).

Sổ bảo hiểm xã hội là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động, mà quá trình đó có sự tham gia đóng góp của cả người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước (nếu có).

Vì vậy, sổ bảo hiểm xã hội không thể được xem là một loại tài sản thuộc sở hữu của người lao động có quyền định đoạt như mua bán, cầm cố, thế chấp…

Mặt khác, nếu coi sổ bảo hiểm xã hội là một loại tài sản và không thể quy định hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản của người lao động, thì người lao động không chỉ có quyền mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội mà còn có quyền tặng, cho, thừa kế… sổ. Như vậy việc quy định chế độ tuất sẽ không còn ý nghĩa.

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, điều này không phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội với mục đích là đảm bảo an sinh xã hội và có sự chia sẻ giữa những người cùng tham gia. Việc coi sổ bảo hiểm xã hội là một loại tài sản cũng khiến sổ trở nên giống với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (bảo hiểm thương mại).

Vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất cần bổ sung "hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội" vào quy định các hành vi bị nghiêm cấm.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ bảo hiểm xã hội được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với nhân thân từng người lao động.

Đây cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate