March 07, 2022 | 19:04 GMT+7

Sở Giao thông vận tải cả nước bắt đầu giám sát hoạt động kinh doanh vận tải từ "mắt thần" camera

Ánh Tuyết -

Từ nay đến ngày 15/3, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành có thể truy cập và sử dụng thử nghiệm hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải...

Camera giám sát sẽ ghi lại hình ảnh lái xe, khoang hành khách và cửa lên xuống xe, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý giám sát trong quá trình tham gia giao thông.
Camera giám sát sẽ ghi lại hình ảnh lái xe, khoang hành khách và cửa lên xuống xe, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý giám sát trong quá trình tham gia giao thông.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cung cấp 2 tài khoản vào hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải cho Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô theo quy định.

Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: biển số đăng ký xe, vị trí, thời gian. Video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p. Hình ảnh tại camera đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng, gồm cả vào ban đêm.

Sau khi lắp đặt hệ thống camera, dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640x480 pixel. Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại.

Dữ liệu này là công cụ đắc lực để Sở Giao thông vận tải các địa phương sử dụng dữ liệu hình ảnh này để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đối với các đơn vị trên địa bàn.

 

"Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, giao quản lý tài khoản và gắn trách nhiệm cho người được cấp tài khoản thực hiện chế độ bảo mật tài khoản theo quy định. Thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đảm bảo không để lộ, lọt, phát tán thông tin dữ liệu hình ảnh và bảo mật dữ liệu theo đúng quy định", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021.

Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được truyền về cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách.

Để tăng cường công tác phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đồng thời đảm bảo công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải chủ động lựa chọn camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải đáp ứng yêu cầu theo quy định, Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Khoa học công nghệ chủ trì, phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kịp thời công khai danh sách thiết bị camera giám sát hành trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận hợp chuẩn.

Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành bộ tiêu chí thông tin kết nối giữa các hệ thống phần mềm của bộ với các hệ thống khác.

Để thực hiện chia sẻ dữ liệu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương cử cán bộ làm việc với Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện.

Cán bộ các Sở sẽ theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera trên phần mềm để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate