Chương trình tái cơ cấu khu vực tài chính ngân hàng đang được xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Bước đầu tiên cần thực hiện trong quá trình này - theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - là giải quyết tình trạng “sở hữu chéo” giữa ngân hàng và các tập đoàn.
Chủ trương tái cơ cấu ngân hàng đang ở những bước đi đầu tiên, theo ông, đâu là “nút thắt” khó gỡ nhất của chương trình tái cơ cấu ngân hàng?
Mục đích quan trọng của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là tăng cường hiệu quả. Đặc trưng nhất của khu vực ngân hàng là sở hữu chồng chéo.
Tức là, ngân hàng sở hữu tập đoàn, tập đoàn sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu công ty tài chính, công ty tài chính lại sở hữu tập đoàn. Các tập đoàn này bao gồm cả tập đoàn tư nhân và tập đoàn nhà nước.
Hiện tượng này dẫn đến việc cho vay theo mối quan hệ, cho vay theo nhóm lợi ích và cách cho vay như vậy không đảm bảo hiệu quả. Trong khi đó, hiệu quả lại là chỉ tiêu hàng đầu của quá trình tái cơ cấu này.
Vì tính chất sở hữu chồng chéo này nên việc tái cơ cấu ngân hàng là không dễ dàng. Bởi vì, khi động bất kỳ đến cái “nút” nào sẽ rùng rùng ảnh hưởng đến cả hệ thống. Do đó, nếu không có quyết tâm về mặt chính sách và không có một quy tắc mạch lạc trong việc xác định loại ngân hàng tái cơ cấu, biện pháp tái cơ cấu, các biện pháp kiểm soát đặc biệt của Nhà nước, sẽ khó thực hiện được tái cơ cấu ngân hàng.
Nếu chúng ta không làm một cách bài bản, sẽ rất dễ có trường hợp chúng ta gom các ngân hàng yếu lại với nhau, tức là gom một số vấn đề nhỏ thành vấn đề lớn hơn. Như thế chưa chắc đã giải quyết được vấn đề.
Tình trạng nợ xấu cũng là một vấn đề rất khó trong quá trình tái cơ cấu?
Quá trình tái cơ cấu cũng cần đảm bảo được tình trạng nợ xấu, thiếu thanh khoản không trở lại chứ không phải là áp dụng các biện pháp hành chính, các biện pháp tức thời để giảm triệu chứng mà không chữa được căn nguyên, cốt lõi của vấn đề.
Do đó, rất cần thiết phải làm cho các ngân hàng thương mại hoạt động có tính minh bạch và tuân thủ theo các chuẩn mực thế giới. Những chuẩn mực quốc tế đang được các nước phát triển sử dụng. Ngay cả khi sử dụng những chuẩn mực như thế này mà họ vẫn còn gặp vấn đề, huống hồ là chúng ta sử dụng một cách không đến nơi đến chốn.
Tất cả những tiêu chuẩn này cần được áp dụng ở Việt Nam một cách đồng loạt cho cả các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại nước ngoài, cũng như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mức tăng trưởng tín dụng quá nóng cũng góp phần tạo rủi ro cho hệ thống, ông bình luận gì về ý kiến này?
Đấy cũng chính là vấn đề đáng lưu tâm. Cần đảm bảo một độ tăng trưởng tín dụng vừa phải. Bởi vì một trong những vấn đề của kinh tế Việt Nam những năm qua là tăng trưởng tín dụng quá nóng. Khi đồng tiền dồi dào, thì phân bổ cũng sẽ dễ dãi.
Do đó, khi chúng ta thắt chặt nguồn tín dụng, các ngân hàng sẽ có động cơ để phân bổ tín dụng một cách hợp lý hơn. Và đồng thời, không nên đặt một trần tăng trưởng tín dụng đồng loạt cho tất cả các ngân hàng. Những ngân hàng có năng lực quản trị tốt hơn, khả năng quản lý rủi ro tốt hơn, thì phải có dư địa rộng rãi hơn cho tăng trưởng tín dụng. Còn những ngân hàng đang yếu kém thì không cho phép tăng trưởng tín dụng hoặc thậm chí áp đặt những biện pháp kiểm soát đặc biệt. Chúng ta không được phép áp dụng cách “một người bệnh bắt cả làng uống thuốc”.
Có quan điểm cho rằng, nên đưa một số ngân hàng nông thôn đã được nâng cấp thành ngân hàng thành thị trong những năm qua quay trở về ngân hàng nông thôn?
Những ngân hàng nông thôn phát triển thành ngân hàng thành thị là có lịch sử của nó, phát triển từ những năm 2005-2006 trở lại đây.
Giờ đây, không nhất thiết phải bắt những ngân hàng này quay trở lại nông thôn. Vấn đề là phải tạo cơ chế để các ngân hàng này có thể chủ động về chiến lược của mình. Trước đây, chúng ta ép họ từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, bây giờ chúng ta ép ngược trở lại là lấy cái sai này để sửa cái sai khác. Đây không phải là phương pháp đúng.
Quan trọng hơn, với quy mô như vậy, lượng khách hàng như vậy họ cần có một chiến lược phù hợp, chứ không phải chúng ta kê đơn một lần cho tất cả và mãi mãi. Do đó, cần phải có một khuôn khổ về quản trị ngân hàng và một sự minh bạch, đảm bảo lộ trình về cải cách, chẳng hạn sự tăng vốn, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, áp dụng các chuẩn mực về quản trị quốc tế vào trong hệ thống ngân hàng mới làm cho hệ thống ngân hàng mạnh lên.
Đừng kỳ vọng, chỉ bằng một quyết định, chỉ thị, nghị định là có thể giúp ngân hàng mạnh lên!
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate