Số liệu chính thức từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho thấy: Con số margin đã lên mức 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%.
Trước đó, thời điểm cuối năm 2020, tổng dư nợ ký quỹ tại các công ty chứng khoán được xác nhận là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019.
Theo quy định hiện nay, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Do đó, với số liệu về margin hiện nay, đại diện lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, một số công ty chứng khoán đã chạm mức trần đối với cho vay ký quỹ.
Trong khi đó, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Trong quý 1/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giao dịch đạt 1 tỷ USD. “Điều này cho thấy có nhiều dòng tiền mới vào thị trường, không chỉ từ margin ”, đại diện Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lưu ý.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán cũng đã có phương án để tăng vốn chủ sở hữu, nhằm gia tăng năng lực cung cấp dịch vụ cho thời gian tới.
“Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, trước diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đã được đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu thông qua phương án tăng vốn và nộp hồ sơ lên Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đề nghị chấp thuận phương án tăng vốn”, đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước thông tin.
Bên cạnh dòng tiền vào mạnh, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán cũng tăng rất mạnh và từ đó xuất hiện tình trạng cạnh tranh căng thẳng giữa một số công ty chứng khoán nhằm thu hút khách hàng.
Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản của nhà đầu tư đạt 2.705.266 tài khoản, tăng 380 nghìn tài khoản, tương đương tăng 14% so với năm 2019. Đến hết quý 1/2021, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty chứng khoán đạt 2.931.000 tài khoản, tăng 226 nghìn tài khoản so với cuối năm 2020.
Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho biết mỗi công ty chứng khoán có định hướng kinh doanh riêng của mình, có thể tập trung vào mảng môi giới, mảng ngân hàng đầu tư (IB), kinh doanh trái phiếu… Trong đó, mảng môi giới đang có sự cạnh tranh khốc liệt nhất, đặc biệt từ khi Bộ Tài chính bỏ quy định mức phí môi giới sàn áp dụng từ năm 2019 và nguồn vốn với lãi suất thấp của khối các công ty chứng khoán có vốn từ Hàn Quốc.
“Qua các đợt thanh tra, kiểm tra chúng tôi cũng nhận thấy một số công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mang tính “lách luật” để thu hút khách hàng. Các trường hợp này đều được Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ việc cung cấp dịch vụ” – đại diện cơ quan quản lý thông tin thêm.