Bài viết cho biết theo số liệu của TikTok Việt Nam, số lượng người bán cũng như doanh thu trung bình trên ứng dụng TikTok tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái, thúc đẩy sự lạc quan của TikTok tại Việt Nam, sau những thất bại ở các thị trường từ Mỹ đến Indonesia.
TIKTOK ĐÃ VƯỢT QUA LAZADA, TRỞ THÀNH SỐ 2 SAU SHOPEE
TikTok Shop cho biết xe máy điện VinFast và điện thoại Samsung là những sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng thương mại điện tử, song từ chối cung cấp số liệu doanh thu cụ thể. Sự trỗi dậy nhanh chóng của công ty Trung Quốc tại Việt Nam đã nâng cao vị thế của Đông Nam Á như một nguồn doanh thu hàng đầu cho TikTok. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, có vẻ sẽ trở thành tập đoàn truyền thông xã hội lớn nhất thế giới.
TikTok hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong một số vấn đề, từ thúc đẩy các hoạt động xã hội đến kiểm duyệt bài đăng, trái ngược với mối quan hệ gai góc của công ty ở các quốc gia khác. Hiện nay Ấn Độ đã cấm toàn bộ TikTok, còn Indonesia đã cấm một phần, trong khi Mỹ có những động thái căng thẳng với TikTok.
Theo Nikkei Asia, đại diện TikTok tại Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mọi người không tin vào thương mại xã hội hồi hai năm trước do nhiều sản phẩm giả, rẻ tiền. Nhưng giờ đây họ coi việc mua sắm trực tuyến gần giống như một “sở thích” vì họ có thể theo dõi câu chuyện kể của người bán.
Công ty phân tích Metric cho biết TikTok đã vượt qua Lazada, trở thành thị trường trực tuyến số 2 của Việt Nam sau Shopee. Các nhà bán hàng trên TikTok đã kiếm được khoảng 1,3 tỷ USD trong 6 tháng qua. Các nhà phân tích ước tính thu nhập hàng năm trên khắp Đông Nam Á của TikTok vượt quá 12 tỷ USD, trong khi doanh thu kỷ lục của TikTok tại Mỹ đang giúp ByteDance vượt qua Meta về doanh số toàn cầu, theo Financial Times đưa tin.
SỐ LƯỢNG KHÁCH HÀNG VIỆT NAM TRÊN TIKTOK SHOP ĐÃ TĂNG GẤP BA LẦN VÀO NĂM 2023
Năm năm trước, TikTok trở thành nền tảng internet nước ngoài duy nhất mở văn phòng tại Việt Nam, khởi đầu là một ứng dụng video lan truyền trước khi thêm quảng cáo và nhanh chóng chuyển hướng sang thương mại điện tử.
TikTok được cho là tuân thủ các yêu cầu quản lý tốt tại Việt Nam, với tỷ lệ tuân thủ là 95%, so với 92% ở YouTube và 90% ở Facebook. TikTok cũng vướng một số vấn đề về bản quyền đến lưu trữ dữ liệu, và được yêu cầu hạn chế trẻ vị thành niên truy cập, xóa những nội dung độc hại, lừa đảo.
TikTok đã giải quyết nhiều vấn đề gây tranh cãi, từ deepfake đến một thuật toán mà các nhà phê bình cho rằng đã đẩy nội dung "gây nghiện". DataReportal cho biết người dùng Android ở Việt Nam dành trung bình 41 giờ mỗi tháng trên TikTok, cao hơn nhiều so với ứng dụng được sử dụng nhiều thứ hai là Facebook với 28 giờ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp, Việt Nam sẽ nhấn mạnh việc sử dụng Internet một cách thông minh để tránh những cạm bẫy như thông tin sai lệch. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Mọi vấn đề, đặc biệt là truyền thông và mạng xã hội, luôn có hai mặt. Chúng tôi biết có rất nhiều giá trị tích cực, cũng như có những mặt tiêu cực trên mạng xã hội”.
Nhiều TikTokers đã trở thành người dẫn chương trình, người có ảnh hưởng, người phát trực tiếp và người bán hàng rong trong một sự kết hợp mà công ty công nghệ gọi là "giải trí mua sắm".
Thu Đan Nguyen, một TikToker, người sử dụng các mẹo làm đẹp và hài hước để quảng bá thương hiệu mỹ phẩm tới 650.000 người theo dõi của mình, cho biết: “Mọi người thích một số mẹo làm đẹp của tôi và tôi muốn chia sẻ về chúng”.
Người tiêu dùng Việt cũng sử dụng Amazon và Alibaba để bán hàng xuất khẩu, nhưng để mua sắm, họ ngày càng chuyển sang thương mại xã hội. DataReportal cho biết, TikTok Việt Nam có 67 triệu người dùng vào đầu năm nay so với 50 triệu một năm trước đó ở đất nước 100 triệu dân, so với 73 triệu người dùng của Facebook và 63 triệu của YouTube.
TikTok Shop báo cáo số lượng khách hàng thường xuyên ở Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm 2023, bên cạnh đó doanh số bán hàng trung bình hàng ngày tăng gấp ba lần.