Theo đó, tỉnh Lào Cai cập nhật tăng 89 người chết, mất tích tại huyện Bảo Yên. Tính đến trưa 11/9, tỉnh Lào Cai có 155 người (53 người chết, 102 người mất tích), gồm: Bảo Yên 109, Sa Pa 8, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2.
DÙNG TRỰC THĂNG CỨU HỘ CỨU NẠN
Tỉnh Cao Bằng có 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích). Tỉnh Yên Bái có 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 03 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, thành phố Yên Bái 20, Văn Chấn 1, Văn Yên 4, Trấn Yên 2. Quảng Ninh có 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). Tỉnh Phú Thọ có 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).
Các tỉnh, thành phố còn lại: Hải Phòng 2 người chết do bão; Hải Dương 1 người chết do bão; Hà Nội 1 người chết do bão; Hòa Bình 5 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang 2 người chết, 1 người mất tích do lũ; Hà Giang 1 người chết và 1 người mất tích; Lai Châu1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh phúc 1 chết và 1 người mất tích do lật thuyền.
Ngày 11/9, theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân, với tinh thần “Vì nhân dân quên mình”, các đơn vị trong Quân chủng đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện, trang bị nhanh chóng cơ động ra các vị trí bị ảnh hưởng của bão để giúp đỡ nhân dân. Như tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn - địa bàn có nhiều khu vực xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, nắm bắt tình hình địa phương, được sự nhất trí của cấp trên, từ ngày 10/9, Trạm Ra đa 59, Trung đoàn 291, Sư đoàn 365 cử cán bộ, chiến sĩ cùng với vật chất, phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương triển khai các phương án để khắc phục hậu quả sau bão.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên phạm vi toàn miền Bắc, thực hiện lệnh của cấp trên, ngày 11/9, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 đã xây dựng các phương án sử dụng máy bay, lực lượng cứu hộ, cứu trợ nhân dân vùng lũ. Từ khi bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào vùng biển, đất liền của miền Bắc nước ta, các tổ bay và lực lượng cứu hộ, cứu nạn, viện trợ của Trung đoàn 916 luôn túc trực 24/24h tại sân bay sẵn sàng đợi lệnh. Cùng với đó, Trung đoàn đã tổ chức các tổ, đội mặt đất lên đường ứng cứu nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
Sư đoàn 361 cũng đã chỉ đạo Trung đoàn 236 cử lực lượng giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa, đắp đê chống tràn tại sông Cà Lồ khu vực xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và khắc phục hậu quả cơn bão khu vực phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; Trung đoàn 64 huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn phối hợp với nhân dân xã Đông Sơn đắp đê ngăn lũ đoạn Đê Vàng thuộc địa bàn xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ...
HỒ THỦY ĐIỆN THÁC BÀ VẪN AN TOÀN
Sáng 11/9/2024, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo vận hành điều tiết lũ tại hồ thủy điện Thác Bà. Cùng đi có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận và một số cơ quan, ban ngành liên quan.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Yên Bái và Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đến thời điểm này, hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn. Tuy nhiên sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép và bà con nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Với dự báo tình hình thời tiết, vấn đề Thủy điện Thác Bà sẽ được giải quyết tốt, mực nước sẽ xuống dưới ngưỡng cho phép. Dự báo lượng mưa ở khu vực này trong 48 giờ tới khoảng 40-50 mm và trong 24 giờ tới thì lượng mưa khoảng 15-20 mm. Hiện nay, các lực lượng chức năng đã tính toán mọi phương án và chủ động sẵn sàng lực lượng để ứng phó với tinh thần là giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu, trong đó, tính mạng của người dân là trên hết.
"Lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà đã giảm xuống đáng kể. Theo số liệu tính đến 7 giờ ngày 11/9, lưu lượng nước về giảm xuống mức 3.180 m3/s, giảm hơn 1000m3/s so với chiều hôm qua (10/9), mức nước hồ hiện tại là 59,84m,tổng lưu lượng xả qua công trình là 3.201 m3/s. Công trình nhà máy và hồ chứa vẫn đang rất an toàn. Tuy nhiên vẫn không được chủ quan".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái sáng 11/9, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 10/9 đến sáng ngày 11/9 có mưa nhỏ.
Trên sông Thao tại Yên Bái, mực nước lúc 6 giờ ngày 11/9 là 34,63 m (trên báo động 3: 2,63 m). Trên sông Ngòi Thia, mực nước lúc 5 giờ 11/9 là 42,01 m (dưới báo động 1: 2,46 m). Trên sông Chảy tại Thác Bà, mực nước lúc 5 giờ 11/9 là 28,83 m (trên báo động 3: 6,83 m).
Trước đó, ngày 10/9/2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Công điện số 91/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.
Tại công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10/9/2024.