Nửa đầu năm 2016 ghi nhận hơn 500.000 người tham gia vào mạng lưới đa cấp tại Việt Nam, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015.
Đây là một số liệu đáng chú ý trong báo cáo sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị số 02 về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương).
Báo cáo cũng cho biết, tính đến đầu tháng 9/2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp là 50 doanh nghiệp, giảm 17 doanh nghiệp so với năm 2015.
Trong đó, có 9 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 6 doanh nghiệp có giấy chứng nhận bị chấm dứt hiệu lực và 2 đơn vị tạm ngừng hoạt động.
Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (55% thị phần). Các doanh nghiệp đã nộp trên 452 tỷ đồng tiền thuế.
Tổng hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác đã chi trả cho người tham gia trong 6 tháng đầu năm là trên 711 tỷ đồng. Chủ yếu các doanh nghiệp đa cấp kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết đã tiến hành điều tra và xử phạt 36 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với 34 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt là 6,6 tỷ đồng.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng với bán hàng đa cấp, một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án như bất động sản, nhà hàng, khách sạn…
Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước.
"Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội kinh doanh trái phép nên hiện nay chúng ta không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn", Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết.
Hiện Bộ Công Thương đã kiến nghị lên Thủ tướng áp dụng chế tài để xử lý các hoạt động này.
Ngoài ra, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng cho biết việc quản lý bán hàng đa cấp còn nhiều tồn tại, do quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa phương, khiến việc giám sát, kiểm tra khó khăn.
Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, để khắc phục những lỗ hổng này, đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate