May 22, 2024 | 07:45 GMT+7

Sóc Trăng phát thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển đến các địa phương

Thiên Ân -

Các tỉnh, thành có nhu cầu sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ thi công công trình theo cơ chế đặc thù, đăng ký với tỉnh Sóc Trăng để tỉnh tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành...

Cát biển, sau thời gian thử nghiệm thí điểm, đã được xác định dùng vật liệu thay thế dần nguồn cát sông vốn đang thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ nhiều dự án giao thông khu vực ĐBSCL.
Cát biển, sau thời gian thử nghiệm thí điểm, đã được xác định dùng vật liệu thay thế dần nguồn cát sông vốn đang thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ nhiều dự án giao thông khu vực ĐBSCL.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng, phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Theo tỉnh Sóc Trăng, dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã có kết quả bước đầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng hai cấp 333 và 222 đạt 680 triệu m3.

Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.

Để tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển ở tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra thông báo đề nghị các tỉnh, thành phố đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển (nếu có) đối với các dự án theo cơ chế đặc thù và gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trước ngày 27/5/2024 để tỉnh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành trung ương.

Trong năm 2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Mỹ Thuận đã tiến hành thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm. Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300 m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn này được đánh giá đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về vị trí thí điểm là vị trí nhạy cảm về môi trường, có thể bảo đảm thông xe sau khi thi công.

Sau thời gian thử nghiệm thí điểm, kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau.

Biển Trần Đề (Sóc Trăng) nơi có trữ lượng cát biển lên đến hàng trăm triệu mét khối, đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122. 
Biển Trần Đề (Sóc Trăng) nơi có trữ lượng cát biển lên đến hàng trăm triệu mét khối, đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122. 

Ngày 18/3/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông. Theo đó, việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả vừa qua, tại đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, kết quả cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “nền đường - thi công và nghiệm thu".

Cũng theo văn bản này của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, trong đó đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tài liệu, hồ sơ để tiến hành các thủ tục để khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù quy định tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội.

Cụ thể, dự án đã khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160 km2. Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp đạt 680 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2 - 5 m, cách bờ tại cửa Định An tính đến biển gần nhất 20 km, có điều kiện khai thác khả thi. Độ sâu khai thác từ 3 - 4 m. Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (khu vực ven bờ thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho thấy, phương pháp và thiết bị khai thác cát bằng cách sử dụng tàu xén thổi tự hành công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 m3/ngày. Chiều sâu hút cát thấp hơn 10 m, hút cát đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo tuyến luồng Định An. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000 - 3.000 m3 vào khu vực tập kết.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như dự án thí điểm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate