Mặc dù chiều nay giao dịch có sôi động hơn chút ít so với buổi sáng, nhưng cả hai sàn tính chung cả phiên cũng chỉ khớp được hơn 7.100 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE khớp khoảng 6.618 tỷ đồng. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ phiên ngày 23/3/2023 với 6.540 tỷ đồng trên sàn này.
Nhà đầu tư tiếp tục giảm cường độ giao dịch xuống mức cực thấp. Thực ra có thể lượng đặt mua đặt bán ở các vùng giá sâu vẫn còn nhiều, nhưng do sức mạnh cả hai bên không thể đẩy cao dao động được nên lượng dư mua dư bán đó không được chuyển thành thanh khoản.
Mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay có yếu đi khi bên bán vẫn ép giá xuống thêm một chút. VN-Index đóng cửa giảm 5,25 điểm (-0,42%) trong khi kết phiên sáng là -4,51 điểm (-0,36). Điểm số thì lùi ít nhưng cổ phiếu thì kém. Cụ thể, chốt phiên sáng sàn HoSE có 65 mã quá 1%, đóng cửa đã lên tới 98 mã. Nhóm này tuy chỉ chiếm 27,6% số lượng cổ phiếu có giao dịch nhưng lại tập trung 33% tổng thanh khoản. Đây cũng là nhóm xuất hiện nhiều mã vẫn chịu sức ép từ bên bán nổi bật hơn.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 6/10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Tuy nhiên biên độ giảm thực sự ở nhóm này cũng không mạnh. HDB giảm 4,08% là bất ngờ nhất, đặc biệt là thanh khoản cao nhất thị trường với 415,2 tỷ đồng. Cổ phiếu này sau phiên được khối ngoại kéo thốc đột biến hôm 30/12 thì đã lao dốc liên tục 7 phiên mất hơn 16% giá trị. CTG giảm 1,06% là cổ phiếu ngân hàng duy nhất trong top 10 vốn hóa. Còn lại BID giảm 0,99%, VCB giảm 0,54%, VPB giảm -0,8%. Chỉ 4 mã là VCB, HDB, BID, CTG đã lấy đi tới 2,5 điểm khỏi chỉ số, tương đương một nửa tổng mức giảm.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chịu tổn thường nhiều hơn trong bối cảnh thanh khoản thấp. Nguyên nhân một phần vì nhóm này bình thường cũng không giao dịch lớn. Trong 65 mã giảm trên 1% thì VN30 chỉ có 4 mã là HDB, SSI, CTG và BCM. VNMidcap đóng cửa giảm 0,45%, Smallcap giảm 0,51% nhưng rất nhiều cổ phiếu giảm sâu. YEG, HCM, CMG, DIG, VHC, CRT, VCI… đều khớp trên 50 tỷ đồng phiên này với giá giảm mạnh.
Biên độ giảm giá vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu cụ thể của từng mã hơn là bối cảnh chung. Mặc dù VN-Index giảm nhẹ, thanh khoản tổng thể thấp nhưng từng mã chịu áp lực bán riêng. Thông thường khi lượng tiền ít vận động, cổ phiếu giảm giá càng nhẹ càng tốt vì như vậy đồng nghĩa với áp lực bán không có. Khi giao dịch chung rất chậm, sức mạnh của cổ phiéu càng dễ quan sát trong từng giao dịch vì hầu như không bị ảnh hưởng bởi quán tính tâm lý sợ hãi hay hưng phấn thái quá.
Nhóm tăng giá ngược dòng hôm nay cũng không nhiều mã đáng chú ý vì bên mua hoàn toàn có thể chờ đợi lực bán chấp nhận thua và hạ giá trong tình huống cạn kiệt thanh khoản. VHM là blue-chips duy nhất đáng kể khi tăng 1% với thanh khoản khá cao 171,2 tỷ đồng. PLX cũng khá nổi với mức tăng 1,83%, khớp 67,1 tỷ đồng. Số còn lại lác đác vài cổ phiếu như PAN, GEX, CTD, DBD, DPG thanh khoản vài chục tỷ đồng.
Nhìn chung trong tình huống dòng tiền vận động quá chậm, các biến động giá trên nền thanh khoản quá nhỏ là kém tin cậy. Điều này có mặt, một bên là nhu cầu bán rõ ràng không nhiều, ngược lại bên mua cũng không có động lực gì để xuống tiền nhiệt tình hơn. Đây không phải là trạng thái giằng co về cung cầu mà là giằng co về tâm lý. Chưa có yếu tố thúc đẩy nào để một bên phải hành động quyết liệt hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay đã giảm áp lực đáng kể, mức bán ra trên HoSE chỉ còn 498 tỷ đồng, giảm 17% so với phiên sáng. Mức ròng chiều nay là -103,6 tỷ, tốt hơn mức bán ròng 335,9 tỷ buổi sáng. Dù vậy tính chung cả ngày hôm nay vẫn là phiên bán ròng lớn với 439,5 tỷ. Các cổ phiếu bị xả mạnh là STB -84,5 tỷ ròng, VNM -44,3 tỷ, SSI -41,1 tỷ, BID -33,9 tỷ, HPG -33,8 tỷ, CTG -33,1 tỷ, VCB -31,3 tỷ, VHC -21,8 tỷ, NLG -21,4 tỷ. Bên mua có HDB +46,3 tỷ là nhiều nhất.