Tết Mậu Tuất đang đến gần. Quất bày bán trên thị trường Hà Nội có loại đắt tiền là quất trồng ở Tứ Liên (Tây Hồ). Thấp giá hơn một chút là quất Đông Ngạc (Từ Liêm). Nhưng nhiều nhất và giá bình dân là từ vựa quất Văn Giang (Hưng Yên) và ở một số huyện ngoại thành Hà Nội.
Đầu mùa kinh doanh, nên quất đứng giá hơn mọi năm, hiện từ 300-500 nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng/cây có nguồn gốc Văn Giang.
Quất mi ni, bon sai lên ngôi
Dự báo, 2-3 ngày nữa, quất sẽ đổ về tràn ngập các phố, nhất là trên các đường cửa ngõ Hà Nội giá quất sẽ rẻ như mọi năm. Lúc đó, chỉ với 150 - 400 nghìn đồng là đã có thể mua được những cây quất cao trên dưới 1m, tán buộc túm tròn, quả lúc lỉu.
Một người bán quất tại Khu đô thị Nam An Khánh cho biết, thời điểm này, người dân vẫn chưa vội mua đào quất vì lo sợ không chăm sóc đúng cách cây sẽ chết. Phải từ Tết ông Công, ông Táo sức mua mới tăng mạnh.
Năm nay, loại cây quất cảnh bonsai, kích thước nhỏ, quất mi ni được bày bán rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả những loại quất buộc túm tròn truyền thống.
Theo những người kinh doanh vài năm trở lại đây người tiêu dùng thích mua loại cây nhỏ, gọn phù hợp với nhà chung cư. Cây tuy nhỏ nhưng vì quy cách trồng và tạo hình khó hơn quất truyền thống nên giá quất bonsai đắt hơn. Nếu không chăm sóc cẩn thận, cây phát triển nhanh quá sẽ mất dáng, hoặc lớn quá.
Phần lớn loại quất bon sai nguồn gốc từ vùng trồng quất Tứ Liên. Giá bán còn cao hơn những cây quất truyền thống có kích thước lớn hơn. Những cây quất được uốn thành các dáng như hình lộc bình, cao khoảng 3m, đường kính thân 1,2m, có đủ quả chín, hoa, lộc, giá bán từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng mỗi cây.
Đặc biệt năm nay, nhiều nhà vườn trồng cây quất nhỏ đặt trong chậu cảnh có hình lục bình hoặc chó đốm, biểu tượng cho Tết Mậu Tuất.
Ông Hoàng Xuân Trường, Phó hội trưởng Hội quất cảnh nghệ thuật Tứ Liên cho hay, những chậu sứ hình chó đốm được đặt làm ở làng gốm Bát Tràng, rồi đưa về trồng quất vào trong chiếc gùi trên lưng chó.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, các nhà vườn ở Tứ Liên luôn đổi mới mẫu mã, bám sát ý nghĩa của từng năm. Năm nay, phần lớn quất được tạo hình con chó. Do khâu tạo dáng quất rất kỳ công, nên giá bán mỗi chậu quất cảnh chó đốm giá bán từ 2-6 triệu đồng/chậu, tùy vào thế và tuổi đời của cây.
Trồng đào như "đánh bạc" với trời
Còn chục ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hầu hết đào đã nở hoa đỏ rực. Ngay từ giữa tháng Chạp, đào gốc, đào cánh đã vội vã đua nhau xuống phố.
Hầu hết các chủ vựa đào đều khẳng định, năm nay, giá đào sẽ không biến động. Những cây đào thế được cho thuê với giá từ 5 - 20 triệu đồng/gốc, còn đào cây có giá bán từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng/cây.
Anh Tuân, một người mua đào băn khoăn: "Đào năm nay đẹp quá, cây nào cũng chi chít nụ và hoa. Có điều hoa nở sớm, mua về không biết đến Tết có còn hoa hay không? Tôi mua cành đào nhỏ giá chỉ có 100.000 đồng".
Anh Chính, chủ một vườn đào ở Tây Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội) giãi bày: "Năm nay đào nở hoa sớm hơn 1 tuần so với tính toán, nên phải đánh ra bán sớm. Làm nghề trồng đào, quất cảnh không chỉ "đánh bạc" với trời mà còn phải bắt kịp thị hiếu khách hàng. Nếu không bán được giá, coi như công sức cả năm đổ xuống sông xuống bể, coi như mất Tết".
Trước đây, người Hà Nội chuộng chơi bích đào, nhưng vài năm trở đây phong trào chơi đào phai thịnh hành. Vì vậy, nhiều nhà vườn ở các huyện Hoài Đức, Đan Phương, quận Từ Liêm, Hà Đông... chuyển hướng sang trồng đào phai.
Thế nhưng, năm nay ngay từ đầu tháng Chạp, hầu hết đào phai đã bung hoa nở rộ. Chị Dung, chủ một vườn đào ở La Dương (Hà Đông) than thở: "Đào phai năm nay nở hoa sớm không thể hãm được. Thời tiết thất thường thì những người có kinh nghiệm lâu năm trồng đào cũng phải chào thua.
Ngay từ đầu tháng Chạp, người trồng đã phải chặt cây đem bán. Nhưng thời điểm này ít người chơi nên giá giảm, mỗi cành đào bán tại ruộng loại nhỏ chỉ từ 30.000 đồng. Những cành lớn hơn giá 50.000 - 60.000 đồng, những cành đẹp, to cũng chỉ khoảng 100.000 đồng chứ không thể bán cao hơn được", chị Dung cho biết.
Đào nở sớm báo hiệu Tết đến, Xuân về nhưng với nhiều nông dân trồng đào lại là nỗi lo canh cánh thất thu. Người trồng đào phai đã vậy, người trồng đào bích tuy yên tâm hơn, nhưng thời điểm này cũng đang phập phồng lo hãm cho đào nở chậm lại. Trồng đào quất nhiều khi cũng như "đánh bạc" với giời, lãi cao đấy, nhưng nguy cơ trắng tay cũng rất cao.