May 27, 2021 | 18:41 GMT+7

Soi khối tài sản "khủng" của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và đại gia Dũng “lò vôi”

Đức Minh -

Kim cương tính bằng ký, sổ đỏ cũng bỏ lên cân, nộp hơn ngàn tỷ tiền thuế đất, hiến đất ủng hộ chống dịch 1.000 tỷ đồng… là những tài sản của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng (được biết đến với biệt danh "Hằng Canada" và "Dũng lò vôi"), chủ doanh nghiệp Đại Nam, đang được nhắc đến gần đây...

Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha với vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng.
Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha với vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng.

Trong thời gian gần đây, “Nguyễn Phương Hằng” đang là từ khóa được nhắc nhiều nhất trên các mạng xã hội như facebook, youtube, zalo, viber… Đặc biệt sau buổi livestream "khủng" thu hút hơn 400.000 lượt xem cùng một lúc trên trang facebook cá nhân của bà vào tối 25/5 vừa qua, cái tên “Nguyễn Phương Hằng” lại nổi lên hơn bao giờ hết.

Bên cạnh những nội dung phức tạp và kịch tính xung quanh vụ tố cáo ông Võ Hoàng Yên và một số nghệ sĩ tên tuổi trong giới giải trí, bà Hằng còn khiến người xem sửng sốt khi khoe tài sản cực "khủng".

SOI KHỐI TÀI SẢN “KHỦNG” SỔ ĐỎ… CÂN KÝ

Trong livestream gần đây, bà Hằng cho biết, tài sản của vợ chồng bà "kim cương và sổ đỏ” được tính bằng ký là chuyện thường, chưa kể đến các “siêu xe” lên đến 40-50 tỷ đồng/chiếc.

Hiện tại, cơ nghiệp của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng “lò vôi") gắn với Công ty cổ phần Đại Nam, doanh nghiệp do bà Hằng giữ chức Tổng giám đốc điều hành (CEO).

Công ty cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được thành lập vào tháng 3/1996 tại Bình Dương. Tháng 1/1999, công ty này được đổi tên là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần. Đến tháng 4/2007, Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Đại Nam.

Sau hơn 25 năm hoạt động, Công ty cổ phần Đại Nam hiện hoạt động kinh doanh đa ngành với 127 ngành nghề đăng ký. Trong đó, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch… là những những ngành nghề kinh doanh chính, mang lại doanh thu lớn cho Công ty.

Về bất động sản, Đại Nam đang là chủ đầu tư của 7 dự án lớn tại Bình Dương như Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2. Đây là những dự án bất động sản góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị tại tỉnh Bình Dương.

Doanh nghiệp của 2 vợ chồng CEO Nguyễn Phương Hằng  và Dũng "Lò voi" sở hữu những dự án "khủng" tại Bình Dương.
Doanh nghiệp của 2 vợ chồng CEO Nguyễn Phương Hằng  và Dũng "Lò voi" sở hữu những dự án "khủng" tại Bình Dương.

Công ty này cũng là chủ đầu tư của 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Khu công nghiệp Sóng Thần 3. 

Như vậy, việc sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản nhà ở và các khu công nghiệp nói trên, cùng hơn 1.000 sổ đỏ, cho thấy bà Hằng nói sổ đỏ của bà được “cân ký" là không sai.

Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của vợ chồng bà Hằng, ông Dũng “lò vôi” hiện đang sở hữu Khu du lịch Đại Nam (Khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến) rộng 450 ha tại Bình Dương, kinh phí xây dựng lên tới 6.000 tỷ đồng. Đây là một trong những khu du lịch lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Hai vợ chồng bà Hằng và ông Dũng 
Hai vợ chồng bà Hằng và ông Dũng 

Năm 2016, vợ chồng bà Phương Hằng đầu tư vào Trường đua Đại Nam. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, trong đó có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 - 60.000 khán giả. Ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.

Trường đua này có các hạng mục như đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1.500 m.

"Đây là dự án mà tôi rất tâm đắc, trước hết là tạo ra sân chơi lành mạnh cho các môn thể thao mới lạ tại Bình Dương, trong số 5 loại hình tại Trường đua Đại Nam thì đua ngựa vẫn là môn chủ lực. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi muốn cứu vãn đàn ngựa Việt Nam đang bị mai một dần sau khi trường đua Phú Thọ đóng cửa...", ông Huỳnh Uy Dũng từng cho biết.

THUA LỖ HÀNG TRĂM TỶ, VẪN NỘP THUẾ NGÀN TỶ

Sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn với sổ đỏ, kim cương "cân ký", doanh thu hàng năm vẫn đạt hàng trăm tỷ đồng, thế nhưng nhiều năm gần đây Công ty cổ phần Đại Nam liên tục báo lỗ. 

Cụ thể, hai năm 2016 và năm 2017, doanh thu thuần của Đại Nam lần lượt đạt 373 tỷ đồng và 405 tỷ đồng. Nhưng cũng trong hai năm này, lỗ sau thuế của công ty cũng đã tăng lên 50,7 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.

Bước sang năm 2018, doanh thu thuần của Đại Nam ghi nhận ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn âm 83,7 tỷ đồng.

Năm 2019, Đại Nam lại chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh khi doanh thu giảm 10% về 409 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.

Lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ, nợ dài hạn 3.915 tỷ.

Mặc dù ghi nhận các khoản lỗ triền miên 4 năm liền, nhưng công ty cổ phần Đại Nam của vợ chồng bà Hằng, ông Dũng vẫn nộp 1.234 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất trong năm 2020.

Theo ghi nhận của Cục Thuế tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng nguồn thu từ đất tại tỉnh Bình Dương tăng gấp 4,8 lần (năm 2014 khoảng 1.652 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 8.078 tỷ đồng). Riêng nguồn thu từ các dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến trong tổng thu ngân sách ở tỉnh này, trong đó Công ty cổ phần Đại Nam, với nhiều dự án bất động sản tầm cỡ kể trên, đã đóng góp đáng kể cho thu ngân sách của tỉnh.

Được biết, ngoài Công ty cổ phần Đại Nam, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng liên quan tới nhiều doanh nghiệp khác tại Bình Dương như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Khai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Tân Định.

Tuy Đại Nam lỗ, nhưng ông Dũng “lò vôi” vẫn “hốt bạc” ở những công ty nói trên. Đáng kể nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Đại Nam và công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Khai.

Cụ thể, tại công ty Xây dựng Đại Nam, năm 2016, doanh thu của công ty này chỉ đạt 10 tỷ đồng, nhưng tới năm 2019 con số này này tăng phi mã 48 lần lên 480 tỷ đồng. Lợi nhuận hai năm gần đây đều xấp xỉ quanh mức 15 tỷ đồng. 

Hiện tổng tài sản của Xây dựng Đại Nam đạt 860 tỷ đồng, giảm 48% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 49,6 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

Với công ty Tân Khai, doanh thu cũng tăng nóng trong nhiều năm. Năm 2019, doanh thu đơn vị này là 189 tỷ đồng, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2018. Tổng tài sản của Tân Khai tính đến cuối 2019 đạt 897 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 84 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40% và 95% so với thời điểm đầu năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate