Ngày 21/5, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận Đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo đó, sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá là sợi kéo dãn toàn phần (polyester flat yarn) thuộc mã HS 5402.47.
Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy trị giá xuất khẩu mặt hàng sợi nêu trên từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỹ có xu hướng tăng rất nhanh qua từng năm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt khoảng 1,69 triệu USD, năm 2019 đạt khoảng 4,65 triệu USD trước khi tăng mạnh vào năm 2020 với kim ngạch đạt khoảng 11 triệu USD.
Trước đó, năm 2016, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá đối với sợi dún polyester (polyester textured yarn) nhập khẩu từ Việt Nam với biên độ từ 34,81% – 72,56%. Không chỉ riêng sợi Polyester bị áp thuế mà nhiều mã sợi khác của Việt Nam cũng bị dính kiện tụng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo quy trình điều tra chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi thông báo về việc nhận Đơn kiện, trong trường hợp chính thức khởi xướng, Cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đăng thông báo trên Công báo, đồng thời gửi bản tóm tắt đơn kiện và bản câu hỏi điều tra tới các nước và nhà xuất khẩu có liên quan trong vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan kịp thời liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, một loạt biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành với một số mặt hàng sợi của Việt Nam đã tác động xấu đến xuất khẩu sợi của nước ta. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá đã khiến sợi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm mạnh.