Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia về thời điểm báo cáo phương án tiền lương tối thiểu năm 2024.
Xét báo cáo của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về việc xem xét phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến, Hội đồng Tiền lương Quốc gia căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, các yếu tố liên quan khác và quy định của pháp luật để chủ động xem xét việc khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu đối với người lao động theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu báo cáo của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 30/9.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hồi đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định tạm thời chưa chốt thời gian phiên họp thứ 2 để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024, dự kiến cuối năm nay Hội đồng sẽ nhóm họp lại.
Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của doanh nghiệp trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhận định, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục tới cuối năm nay.
Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022 lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó tùy theo vùng lương. Hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.