Tại hội thảo “Hậu Covid-19: sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam”, các ý kiến đều cho rằng nói hậu Covid-19 là hơi sớm vào lúc này, có lẽ chúng ta phải sống chung với Covid-19 dài hạn.
Tuy nhiên, các bài toán phát triển của doanh nghiệp vẫn cần được đặt ra trong ngắn hạn năm 2021 - 2023 và có thể xa hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, chỉ ra 6 cơ hội lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ được các xu hướng lớn của thế giới để đột phá trong bối cảnh hiện nay.
DOANH NGHIỆP TRƯỚC NHIỀU CƠ HỘI
Đó là xu hướng thương mại đa phương đang phục hồi. Các chuỗi cung ứng đứt gãy do Covid-19 được thiết kế lại. Khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết các “ông lớn” đều nhận ra mình bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nên giờ họ muốn kéo các chuỗi cung ứng lại gần mình hoặc tìm kiếm các mắt xích thân thiện hơn, đối trọng hơn.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tầm cỡ Việt Nam tìm kiếm cơ hội, tham gia vào các mắt xích của chuỗi này. Doanh nghiệp nhỏ hơn có thể bám vào hệ sinh thái này để đưa Việt Nam (có thể sau Covid-19) trở thành trung tâm của thế giới.
Một cơ hội nhìn thấy rất rõ nữa, theo ông Minh, là Việt Nam có thuận lợi rất lớn để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng vì các dòng vốn FDI bắt đầu dịch chuyển ra khỏi khu vực không hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, trở thành đối tác với họ. Việt Nam may mắn là quốc gia đảm bảo được an ninh lương thực, vì vậy, phát triển nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao sẽ có cơ hội rất lớn trong thế giới hậu Covid.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vinh, Khoa kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, đồng tình nhận định, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tạo nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Song khả năng thu hút dòng vốn FDI vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia...
Các nước này đưa ra rất nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thậm chí còn sửa đổi các luật kinh doanh. Với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ hơn về vai trò của chuyển đổi số cũng như coi đây là giải pháp sống còn của doanh nghiệp.
Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 48% doanh nghiệp chuyển sang nền tảng số, đến tháng 10/2020 con số này tăng lên 1%. Doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng nền tảng số vào quản trị doanh nghiệp, tiếp thị, thanh toán bán... Công bố của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đến đầu năm 2021, có 53% dân số Việt Nam tham gia bán lẻ trực tuyến. Tăng trưởng thương mại số của Việt Nam lên tới 46% hàng năm và trên hầu hết các lĩnh vực, theo thống kê của e-Conomy SEA.
Báo cáo này cũng cho rằng đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt tới 52 tỷ USD, đứng thứ hai ASEAN. Ông Duy Vũ, Phụ trách bán lẻ điện tử, điện máy của Google tại Việt Nam cũng nhận định, Việt Nam có hơn 40% người dùng mới trên Internet chỉ xuất hiện kể từ sau đại dịch. Họ vẫn muốn duy trì thói quen này khi đại dịch qua đi. Việt Nam được đánh giá là thị trường trọng điểm khi nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng sau năm 2020 trung bình mỗi năm 19% cho đến năm 2025. Lượng tiền đầu tư vào các dự án kinh tế số Việt Nam ngày càng tăng, đỉnh điểm năm 2019 giá trị đầu tư từ nước ngoài đạt ngưỡng 935 triệu USD. Toàn bộ những ngành trong nền kinh tế số như thương mại điện tử, truyền thông, giao thức ăn... đều được dự kiến tăng trưởng mạnh.
Về phía người tiêu dùng, vì ở nhà nhiều hơn, tiếp xúc online nhiều hơn nên đã tạo nên hành vi mới. Khảo sát của Google với bên thứ 3 chỉ ra, 83% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng kênh online để nghiên cứu một sản phẩm nào đó trước khi quyết định mua. 69% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng Google seach như một công cụ chủ yếu để tìm hiểu thông tin cũng như mua sản phẩm mới.
Cơ hội khá lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Ông Minh chỉ ra hai thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Đó là, nếu chậm chân trong kinh doanh trực tuyến thì rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi cũng như đánh mất cơ hội.
DOANH NGHIỆP CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Thách thức nữa là chuyển đổi số. Thương mại trực tuyến là một phần đầu ra của chuyển đổi số, là phương thức kinh doanh mới. Nếu chậm chuyển đổi số là mất đi cơ hội lớn. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thích nghi với tình trạng bình thường mới này?
Ông Vũ cho rằng ngay lập tức cần hình thành một doanh nghiệp online bằng cách tạo website sau đó đưa website và cửa hàng của mình lên những kênh khách hàng hay tìm kiếm như Google Map. Tiếp theo, liên tục cập nhật thông tin về doanh nghiệp, đặc biệt trên web hoặc Google Business, để người tiêu dùng hiểu được đợt dịch lần thứ tư này ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp, còn mở cửa hoạt động hay chỉ bán hàng online. Đồng thời, liên tục cập nhật thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp bán online.
Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, theo ông Vũ, đa số những doanh nghiệp muốn xuất khẩu đều cần tìm kiếm cho mình những đối tác phù hợp trong vận chuyển, thương mại, thanh toán... Tìm kiếm đối tác hỗ trợ xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Việc cạnh tranh ở quốc gia mà doanh nghiệp chưa từng có mặt ở đó ngoài sức tưởng tượng nên trước khi xuất khẩu sang thị trường mới, doanh nghiệp cần chuẩn bị: định vị rõ sản phẩm, thị trường là gì, giá trị mang lại cho người dùng thế nào.
Cuối cùng, theo đại diện Google, việc đặt chân đến một thị trường mới cần có hiểu biết, thông tin về thị trường đó, có công cụ để tiếp cận đối tượng khách hàng phù hợp nhất... có đầy đủ những yếu tố trên doanh nghiệp mới xuất khẩu thành công.
Ông Chu Xuân Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ ứng dụng toàn cầu Hyperlogy, cho rằng đại dịch tạo ra cú sốc về cấu trúc thương mại. Sự thay đổi về cấu trúc kinh doanh khiến mô hình kinh doanh truyền thống không còn phù hợp, buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Muốn tồn tại và thắng trong vòng xoáy thay đổi này, theo ông Vinh, đầu tiên doanh nghiệp cần xây dựng năng lực về kỹ thuật số.
Đại diện Hyperlogy cho rằng hiện chúng ta có một số thách thức khá lớn trong công nghệ số. Nghiên cứu cho thấy có ít hơn 1/3 số công ty có năng lực cần thiết để phát triển mạnh kỹ thuật số. Khả năng một cá nhân sử dụng công nghệ khác nhau.
Thông thường, kỹ năng này tốt với một số bạn trẻ, nhưng một số lực lượng lao động Việt Nam lớn tuổi khả năng thích ứng về công nghệ số không đơn giản. Vì vậy, cần vạch ra quỹ đạo về tương lai số trong doanh nghiệp. Trong đó, cần đánh giá lại thị trường và xu hướng công nghệ sắp tới. Đánh giá về công nghệ hiện tại doanh nghiệp đang sử dụng liệu còn phù hợp hay không, nâng cấp ra sao. Hình dung những công nghệ này tác động tới tổ chức như thế nào, kỹ năng mới nào cần phát triển.
Để làm được những điều này, ông Vinh chỉ rõ, cần có phương pháp tiếp cận liên tục, lấy người học là trung tâm. Cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng chương trình đào tạo kỹ năng theo nhu cầu khách hàng. Tạo công nghệ đổi mới dễ sử dụng và khả dụng theo nhu cầu. Trao quyền cho các lãnh đạo doanh nghiệp, đầu tư phát triển năng lực lãnh đạo. Xác định các rào cản để ứng phó và loại bỏ chúng.
Ông Vinh khuyến nghị: “Nói là hậu Covid-19 thì hơi sớm, có lẽ chúng ta phải sống chung với Covid-19 dài hạn. Do đó, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số được xem là giải pháp cho doanh nghiệp. Ứng dụng nhanh công nghệ vào sản xuất. Số hoá toàn bộ quy trình”.
Còn theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, chính những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của dịch bệnh Covid-19 đã thức tỉnh các doanh nghiệp. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp phải tư duy lại, nhận thức lại, thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp vì nhân loại đã bước sang một thời kỳ mới.