Hai chỉ số S&P 600 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/11), khi nhà đầu tư gom mua cổ phiếu các hãng sản xuất con chip sau hai phiên bán tháo. Chỉ số Dow Jones có thêm một phiên giảm dưới sức ép từ cổ phiếu Disney.
Chuỗi phiên lập kỷ lục của chứng khoán Mỹ đã bị cắt đứt trong tuần này sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh và có thể sẽ không sớm hạ nhiệt do những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được giải quyết. Nhưng với cái nhìn lạc quan, chiến lược gia trưởng Arthur Hogan của National Securities ở New York nói với hãng tin Reuters rằng nhà đầu tư có thể nhìn xa hơn trung hạn vì “chúng ta có nhhu cầu lớn hơn nguồn cung”.
“Điều đó có thể tốt cho tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai”, ông Hogan nhận định.
Chỉ số Philadelphia SE Secmiconductor Index, một thước đo giá cổ phiếu của các hãng sản xuất con chip, tăng 1,6% phiên này. Trong phiên ngày thứ Tư, chỉ số giảm mạnh nhất hơn 6 tuần. Cổ phiếu hãng chip Nvidia Corp giữ vai trò cú huých lớn cho chỉ số tăng điểm, sau khi được một công ty môi giới nâng mức giá mục tiêu.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là nhóm nguyên vật liệu thô và năng lượng.
Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng 0,9%, sau khi giảm hơn 2% trong hai phiên trước.
Cổ phiếu Walt Disney sụt 7,1%, dẫn đầu sự giảm điểm của Dow Jones, sau khi công ty báo cáo mức tăng khiêm tốn của con số thuê bao dịch vụ Disney+.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn gồm Alphabet, Microsoft, Meta, Apple và Amazon đồng loạt tăng từ 0,3-0,7%.
Cổ phiếu hãng xe điện Rivian tăng thêm 22,1%, sau khi tăng gần 30% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán hôm thứ Tư.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,06%, đạt 4.649,27 điểm. Dow Jones giảm 0,44%, còn 35.921,23 điểm. Nasdaq tăng 0,52%, đạt 15.704,28 điểm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,08 USD/thùng, chốt ở 82,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,02 USD/thùng, đóng cửa ở 81,32 USD/thùng.
Giá dầu chịu áp lực giảm từ đồng USD mạnh và việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2021 do giá cao.
Giới đầu tư lo ngại rằng với sức ép lạm phát lớn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất. Điều này có lợi cho tỷ giá đồng USD, đưa chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất 16 tháng trong phiên ngày thứ Năm.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức bình quân 99,49 triệu thùng/ngày trong quý 4 năm nay, giảm 330.000 thùng/ngày từ dự báo đưa ra vào tháng trước.
“Giá năng lượng cao có thể dẫn tới việc nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi chậm lại trong quý 4”, OPEC nhận định, nhấn mạnh sự giảm tốc của nhu cầu ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tổ chức này cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm 2022, muộn hơn 3 tháng so với dự báo đưa ra hồi tháng trước.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay và đạt đỉnh 3 năm ở mức 86,7 USD/thùng vào hôm 25/10, do nhu cầu tăng mạnh hơn nguồn cung khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế trưởng Norbert Rucker của Julius Baer, giá dầu có vẻ đang củng cố dưới ngưỡng 85 USD/thùng.
“Chúng tôi đang tìm kiếm những dấu hiệu về sự dịch chuyển của thị trường dầu từ thắt chặt sang nới lỏng, không chỉ bởi nhu cầu tiêu thụ dầu tăng chậm lại, mà còn bởi sự gia tăng nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ và nguồn cung dầu từ các quốc gia khác”, ông Rucker viết trong một báo cáo.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang chững lại sau khi lập kỷ lục mới gần 69.000 USD vào hôm thứ Tư. Lúc hơn 7h sáng ngày 12/11 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng gần mức 65.000 USD, tăng hơn 0,7% so với cách đó 24 tiếng.