Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/4), khi mức tăng của một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn giúp cân bằng lại ảnh hưởng của những báo cáo tài chính gây thất vọng. Giá dầu thô ít biến động do được hỗ trợ bởi số liệu khả quan về kinh tế Trung Quốc và tiếp tục chịu áp lực giảm từ nỗi lo về lãi suất tăng ở Mỹ.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,09%, chốt ở 4.154,87 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 10,55 điểm, tương đương giảm 0,03%, còn 33.976,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,04%, còn 12.153,41 điểm.
Hai cổ phiếu khiến các chỉ số đuối sức trong phiên này là “đế chế” sản phẩm chăm sóc sức khoẻ Johnson & Johnson (J&J) và ngân hàng Goldman Sachs.
J&J giảm 2,8% sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với lời cảnh báo về ảnh hưởng của lạm phát lên chi phí trong năm nay. Goldman Sachs giảm 1,7% do lợi nhuận quý 1 giảm 19% vì suy giảm ở mảng môi giới và giao dịch trái phiếu.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 ở Phố Wall đang tăng tốc, trong bối cảnh nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón một mùa báo cáo ảm đạm và lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang ở bên bờ vực suy thoái.
“Điều mà chúng ta đang chứng kiến ở đây có thể là một ‘khoảng lặng trước bão’ khi mùa báo cáo tài chính tiếp tục diễn ra. Thi trường đang chờ xem liệu có gì khả quan không, và tôi cho rằng việc này sẽ tuỳ thuộc vào những báo cáo được công bố trong 2 tuần tới đây”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network nhận định với hãng tin Reuters.
Chỉ số CBOE Volatility Index đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 trong phiên này.
Trụ đỡ của thị trường phiên này là nhóm cổ phiếu công nghệ với mức tăng 0,4%. Dẫn đầu nhóm là cổ phiếu chip Nvidia với mức tăng 2,5% sau khi công ty được ngân hàng HSBC tăng khuyến nghị từ “bán” lên “mua”.
Theo dữ liệu từ Refinitiv IBES, giới đầu tư ở Phố Wall hiện kỳ vọng lợi nhuận quý 1 của các công ty trong S&P 500 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính của các ngân hàng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước. Các ngân hàng đã công bố báo cáo đến thời điểm này đều cho thấy kết quả kinh doanh quý đầu năm khá ổn.
“Dù các ngân hàng lớn nói chung đã làm tốt, tôi cho rằng tâm điểm chú ý sẽ hướng đến các ngân hàng khu vực, vì đó mới thực sự là nơi khủng hoảng bắt nguồn”, chiến lược gia Paul Nolte của Murphy & Sylvest Wealth Management nói với Reuters.
S&P 500 đang ở gần vùng cao nhất trong 2 tháng, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 5.
Trong một cuộc trao đổi với Reuters ngày thứ Ba, ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis - nói rằng Fed nên tiếp tục tăng lãi suất vì các số liệu kinh tế gần đây cho thấy sự dai dẳng của lạm phát. Trong khi đó, ông Ralphael Bostic - người đứng đầu Fed chi nhánh Atlanta - nói nhiều khả năng Fed chỉ có thêm một lần tăng lãi suất nữa rồi dừng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,01 USD/thùng, chốt ở 85,25 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,03 USD/thùng, chốt ở 80,86 USD/thùng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 18/4 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 4,5% trong quý 1, so với mức dự báo được giới phân tích đưa ra là tăng 4%.
“Bức tranh lớn ở đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho thấy thị trường dầu vẫn đang bị thiếu cung”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục chịu sức ép giảm từ khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 5.
“Diễn biến tiếp theo của giá dầu sẽ tuỳ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và việc nền kinh tế có vượt qua được những thách thức gần đây hay không, nhất là kinh tế Mỹ - nơi điều kiện tín dụng thắt chặt có thể đè nặng lên tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nói.
Tính đến tuần trước, giá dầu thế giới đã tăng 4 tuần liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2022.