July 24, 2025 | 07:41 GMT+7

S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lập kỷ lục mới nhờ tin tức về thỏa thuận thương mại, giá dầu giảm thêm

Đức Anh -

Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/7), cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa ở mức kỷ lục mới nhờ động lực lớn từ cổ phiếu Nvidia và GE Vernova, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) được cho là sắp đạt được một thỏa thuận thương mại tương tự như thỏa thuận Mỹ - Nhật Bản...

Ảnh minh họa - Ảnh: Rueters
Ảnh minh họa - Ảnh: Rueters

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,78% lên mức kỷ lục 6.358,91 điểm. Đây là mức kỷ lục thứ 12 được thiết lập trong năm nay của chỉ số này. Nasdaq tăng 0,61%, đóng cửa ở mức 21.020,02 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa ở trên ngưỡng 21.000 điểm. Tính từ đầu năm nay, S&P 500 đã tăng khoảng 8%, còn Nasdaq tăng gần 9%.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,14%, chốt ở mức 45.010,29 điểm, thấp hơn 4 điểm so với mức kỷ lục gần nhất.

Giá cổ phiếu GE Vernova tăng vọt 14,6% lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi nhà cung cấp thiết bị điện này nâng dự báo doanh thu và dòng tiền tự do, đồng thời vượt dự báo của các nhà phân tích lợi nhuận trong quý 2. Mã này đã tăng hơn 80% từ đầu năm nay khi tiêu thụ điện tại Mỹ ngày càng tăng mạnh do các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền số.

Cổ phiếu của nhà chế tạo chip AI Nvidia cũng tăng giá 2,25% và là một trong những nhân tố chính thúc đẩy chỉ số S&P 500 và Nasdaq trong phiên giao dịch thứ Tư.

Trước đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội vào đêm ngày thứ Ba (22/7), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đã hoàn tất một thỏa thuận lớn với Nhật Bản. Theo thỏa thuận này, thuế đối ứng của Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ giảm từ mức 25% như thông báo trước đó còn 15%. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết các quan chức Mỹ sẽ gặp gỡ các quan chức EU để đẩy nhanh thỏa thuận với khối này.

Tờ báo Financial Times dẫn nguồn tin là hai quan chức EU cho biết Mỹ sẽ áp thuế quan 15% với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Mức thuế quan này cũng có thể sẽ áp dụng cho ô tô, tương tự như thỏa thuận khung mà Washington đạt được với Nhật Bản. Hiện tại, Mỹ đang áp đặt thuế quan 25% với toàn bộ ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Hãng tin Bloomberg sau đó cũng xác nhận tiến độ đàm phán giữa Mỹ và EU, dẫn nguồn từ các nhà ngoại giao thân cận với các cuộc đàm phán.

“Điểm quan trọng nhất là thị trường đang có tâm lý tự tin rằng Nhà Trắng sẽ tiếp tục xúc tiến các thỏa thuận thương mại”, ông Larry Tentarelli, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại công ty Blue Chip Daily Trend Report, nhận xét.

Mỹ đang trong quá trình đàm phán thương mại với nhiều quốc gia trong bối cảnh thời hạn áp thuế quan 1/8 đang tới gần. Đầu tuần này, ông Trump tiết lộ Mỹ và Indonesia đã nhất trí về khuôn khổ của một thỏa thuận thương mại. Ngày 22/7, ông Trump cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận với Philippines sau cuộc làm việc với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng.

Theo các thông báo từ phía Mỹ, đến nay, nước này đã đạt được thỏa thuận với Anh, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Nhật Bản.

“Đến nay, chiến lược thuế quan mà ông Trump đang theo đuổi có vẻ rất hiệu quả, mang về nguồn thu đáng kể cũng như các khoản đầu tư lớn cho Mỹ từ các quốc gia muốn tránh thuế quan. Và chính sách này đến nay vẫn chưa gây ra sự gián đoạn hay lạm phát cao cho nền kinh tế Mỹ như một số người lo sợ”, ông Louis Navellier, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư tại công ty Navellier & Associates, nhận định. “Thị trường chứng khoán đang phản ánh rằng không có nỗi lo nào về hậu quả tiêu cực của thuế quan”.

Trên thị trường năng lượng, giá đầu giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày thứ Tư khi nhà đầu tư đang đánh giá các diễn biến thỏa thuận thương mại.

Giá hợp đồng dầu thô Brent giảm 8 cent đóng cửa ở mức 68,51 USD/thùng,  dầu WTI giảm 6 cent còn 65,25 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. 

Trong phiên này thứ Ba (22/7), cả hai loại dầu đều giảm khoảng 1% sau khi EU đang cân nhắc các biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

“Xu hướng trượt giá của ba phiên vừa rồi dường như đã chậm lại nhưng tôi không kỳ vọng nhiều vào động lực tăng giá từ tin tức về thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật bởi sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán của Mỹ với EU và Trung Quốc sẽ vẫn là lực cản với tâm lý thị trường”, bà Vandana Hari, người sáng lập công ty cung cấp dịch vụ phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, nhận xét.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị trình kế hoạch áp thuế quan trả đũa đối với 93 tỷ euro (tương đương 109 tỷ USD) hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào EU. Một kế hoạch như vậy cần có sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên của khối.

Kế hoạch dự phòng này được đưa ra tra trong bối cảnh hai bên vẫn đang tiến hành đàm phán thương mại. Hồi đầu tháng, ông Trump thông báo sẽ áp thuế quan 30% với hàng hóa từ EU vào Mỹ từ ngày 1/8 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Nhà đầu tư cũng đang đổ dồn quan tâm vào báo cáo dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) được công bố sau giờ giao dịch ngày thứ Tư.

Một thông tin đáng quan tâm trên thị trường là phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ hôm thứ Ba rằng Washington sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Thứ Sáu tuần trước, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, trong đó giảm mức trần giá dầu với dầu thô Nga. Tuy nhiên, động thái này không đủ để đẩy giá dầu tăng lên bởi thị trường đánh giá tác động của các biện pháp này tới nguồn cung dầu sẽ không lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate