Theo số liệu ước tính sơ bộ, nền kinh tế Hàn Quốc đã thoát một cuộc suy thoái về mặt kỹ thuật khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 tăng 0,6% so với quý trước - cao hơn mức dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát.
Suy thoái kỹ thuật là thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng một nền kinh tế trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Trong quý đầu năm nay, GDP của Hàn Quốc giảm 0,2%.
So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng quý 2 của Hàn Quốc đạt 0,5%, cao hơn so với mức 0% của quý đầu năm.
Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho thấy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này tăng mạnh trong quý 2, tăng 4,2% so với quy trước nhờ các mặt hàng như con chip, sản phẩm dầu mỏ và hóa chất.
“Xuất khẩu ròng là động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế Hàn Quốc trong quý 2”, bà Louise Loo, giám đốc phụ trách kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, nhận xét trong một báo cáo sau khi số liệu kinh tế của Hàn Quốc được công bố.
Theo bà Loo, lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý 2 tăng mạnh nhất kể từ quý 3/2020 khi các công ty đẩy mạnh xuất khẩu trước khi chính sách thương mại của Mỹ được điều chỉnh.
Trong thư gửi lãnh đạo Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ áp thuế quan 25% với hàng hóa nhập khẩu từ nước này từ ngày 1/8. Seoul đang nỗ lực đàm phán để giảm mức thuế quan này trong bối cảnh nước láng giềng Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận giảm thuế quan Mỹ xuống còn 15%.
Nhật Bản là một đối thủ cạnh tranh lớn của Hàn Quốc trong các lĩnh vực như ô tô và thép. Do đó, việc Tokyo đạt được thỏa thuận với Washington trước gây áp lực lớn cho Seoul trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tuần tới thời hạn áp thuế quan 1/8.
Theo ông Shivaan Tandon, chuyên gia kinh tế thị trường tại công ty Capital Economics, các lĩnh vực hướng ngoại của Hàn Quốc, như thương mại, có thể cũng sẽ đối mặt khó khăn khi tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Phát biểu tại một sự kiện ngày thứ Tư (23/7), ông Trump cho biết Mỹ sẽ không giảm thuế quan đối ứng xuống dưới 15%.
“Chúng tôi sẽ áp dụng chính sách thuế quan đơn giản từ 15% đến 50%”, ông Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trí tuệ nhân tạo (AI) ở Washington. “Trong bối cảnh nhu cầu về phần cứng liên quan đến AI có thể tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu con chip, chúng tôi cho rằng các mặt hàng xuất khẩu khác sẽ chịu áp lực”.
Sáng thứ Năm (24/7), Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Koo Yun-cheol cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Washington -dự kiến diễn ra vào ngày thứ Sáu - đã bị hủy do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent không sắp xếp được lịch trình. Ông Bessent sẽ sắp xếp gặp người đồng cấp Hàn Quốc “sớm nhất có thể”.
Chiều ngày thứ Tư, phái đoàn đàm phán của Hàn Quốc - dẫn đầu là Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Kim Jung-kwan - đã lên đường tới Washington để tham gia đàm phán. Thông báo bất ngờ Bộ Tài chính Hàn Quốc làm dấy lên hoài nghi về khả năng Seoul đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn chót 1/8.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tương đương khoảng 44% GDP của Hàn Quốc năm 2023, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Seoul đã loại trừ khả năng đề xuất nhập khẩu thêm thịt bò và gạo trong đàm phán thuế quan với Washington.
Ở trong nước, tổng tiêu dùng nội địa của Hàn Quốc - bao gồm cả chi tiêu của chính phủ và tư nhân - trong quý 2 tăng 0,7% so với quý trước. Điều này cho thấy sự khởi sắc so với mức giảm 0,1% của ba tháng đầu năm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Tandon của Capital Economics, sự tăng trưởng trong quý 2 có thể sẽ không duy trì lâu.
“Dù chi tiêu của chính phủ có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn khi hai gói ngân sách bổ sung năm nay đã được thông qua. Tuy nhiên, động lực này không đủ để bù đắp cho lực cản từ các yếu tố khác”, ông Tandon nhận định.
Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP của năm nay của Hàn Quốc chỉ đạt mức 0,8% so với năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể là cơ sở để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hạ lãi suất thêm.
BOK đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 10/7, dù dự báo tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu. Trong tháng 6, lạm phát của Hàn Quốc là 2,2%, cao hơn so với mức mục tiêu 2% của BOK.