Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/2), với chỉ số S&P 500 có lúc vượt qua mốc 5.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Giá dầu duy trì đà tăng sau khi Israel từ chối đề xuất về một thoả thuận ngừng bắn ở Gaza, trong khi giá vàng nhích lên dù đương đầu với áp lực từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,06%, đạt 4.997,91 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số đạt 5.000,4 điểm. Đây là các mức điểm đóng cửa và đỉnh nội phiên cao chưa từng thấy mà thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ từng đạt được.
Chỉ số Dow Jones tăng 48,97 điểm, tương đương tăng 0,13%, đạt 38.726,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,24%, chốt ở mức 15.793,71 điểm.
Nhận xét về phiên này, chiến lược gia Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets cho rằng dù kỷ lục mới được xác lập, thị trường đang có những biểu hiện đuối dần và và xu hướng tăng có thể không kéo dài được lâu nữa. “Tôi nghĩ thị trường đang trở nên mệt nhọc và đà tăng đang yếu đi”, ông Woods nói với hãng tin CNBC.
Mùa báo cáo tài chính khả quan và xu hướng tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn là những yếu tố chủ lực dẫn dắt chứng khoán Mỹ đi lên trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, sự tăng điểm tập trung ở một số ít nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư ưa chuộng trong năm 2023 đang là một mối lo đối với nhà đầu tư, khi họ e ngại rằng xu hướng tăng vì thế khó duy trì trong năm 2024.
Chiến lược gia trưởng Michael Arone của công ty tư vấn State Street Global Advisors nói thêm rằng ngoài việc cổ phiếu không tăng giá trên diện rộng, nhà đầu tư còn đối diện với một mối lo khác là bấp bênh về thời điểm Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất. Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số quan chức khác của Fed đã đưa ra những phát điểm mang tính chất thận trọng nhằm đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về khả năng ngân hàng trung ương này có thể giảm lãi suất trong tháng 3.
Do kỳ vọng giảm lãi suất dịch chuyển sang muộn hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong những phiên gần đây. Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,15%, gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu dù nhà đầu tư còn lạc quan rằng sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu của các công ty niên yết.
“Lợi nhuận vẫn tốt hơn dự báo và điều này đóng góp vào sự đi lên của những cổ phiếu nhất định. Nói chung về mặt tâm lý, điều này giúp thị trường tiếp tục nhích lên những đỉnh cao mới”, ông Arone nói với CNBC.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,36 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, chốt ở mức 76,22 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,42 USD/thùng, tương đương tăng 3,06%, chốt ở 81,63 USD/thùng.
Tăng liên tiếp trong 4 phiên từ đầu tuần đến nay, dầu WTI và Brent đã ghi nhận tổng mức tăng 3,25% và 3,72%.
Chất xúc tác cho giá dầu những phiên này là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, khi bạo lực tiếp tục leo thang ở dải Gaza và cơ hội cho một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine trở nên mong manh do đề xuất của Hamas bị phía Israel từ chối.
Mỹ và Iran cũng nhích gần hơn tới một cuộc đối đầu trực tiếp sau khi lực lượng của Mỹ tiêu diệt một chỉ huy phiến quân ở Iraq bằng một cuộc tấn công sử dụng thiết bị bay không người lái. Cuộc tấn công này được tiến hành vào hôm thứ Tư, sau khi Mỹ không kích vào các khu vực ở Iraq và Syria có lực lượng Iran và thân Iran vào cuối tuần trước.
Giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng sản lượng dầu thô của nước này năm nay sẽ tăng trưởng ít hơn so với kỳ vọng lúc đầu. Điều này giúp giải toả mối lo của giới đầu tư trên thị trường dầu về khả năng thế giới thừa cung, thiếu cầu dầu trong năm 2024.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York chốt phiên ngày thứ Năm với mức tăng 0,9 USD/oz so với mức đóng cửa của phiên trước, đạt 2.035,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương khoảng 60,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Giá vàng đang đương đầu với áp lực giảm từ khả năng Fed phải đến tháng 5 hoặc tháng 6 mới bắt đầu hạ lãi suất, thay vì hành động từ tháng 3 như kỳ vọng mà cho tới gần đây thị trường vẫn theo đuổi. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 61% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5.
Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn cũng đưa tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, gây thêm áp lực mất giá lên vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm ở mức 104,2 điểm, từ mức 104,1 điểm của phiên trước.
“Thực tế là nền kinh tế Mỹ vẫn vững, có nghĩa là Fed có rất ít lý do để sớm giảm lãi suất. Để giá vàng tăng, cần phải có dấu hiệu thực sự cho thấy nền kinh tế giảm tốc nhiều và lạm phát xuống thang bền vững”, chiến lược gia Bart Melek của công ty TD Securities nhận định với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, vàng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Sau khi bán ròng khoảng 10 tấn vàng trong hai phiên ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SDPR Gold Trust mua ròng 1,5 tấn vàng trong phiên ngày thứ Năm, nâng mức nắm giữ lên 843,7 tấn vàng.