Philippines khó có khả năng được tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng điểm tín nhiệm trong hai năm tới do sự khó lường và bất ổn của Tổng thống nước này Rodrigo Duterte trong các chính sách đối nội và đối ngoại của ông.
Theo tin từ Reuters, S&P cũng tăng khả năng có thể cắt giảm điểm tín nhiệm của Philippines nếu Chính phủ của ông Duterte không thể duy trì được những bước tiến tích cực về tài khóa và kinh tế.
Cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã khiến 3.000 nghi phạm thiệt mạng kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống vào hôm 30/6.
Số lượng lớn nghi phạm bị cảnh sát giết không thông qua xét xử, và tình huống “bí ẩn” của nhiều vụ giết nghi phạm trong số này đã làm dấy lên những lời cảnh báo của các nhóm nhân quyền, Mỹ, và Liên hiệp quốc. Những lời cảnh báo như vậy đã vấp phải sự thách thức của Duterte, dẫn tới những biến động trong các mối quan hệ ngoại giao của Philippines với các quốc gia và tổ chức này.
“Chúng tôi tin rằng điều này có thể xói mòn sự tôn trọng luật pháp và nhân quyền, thông qua những thách thức trực tiếp đặt ra cho luật pháp, truyền thông và các thể chế dân chủ khác”, S&P nói trong một tuyên bố.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm này tin rằng “sự ổn định và khả năng có thể đoán biết của việc hoạch định chính sách đã suy giảm ít nhiều” ở Philippines. Báo cáo nói thêm: “Một mức điểm tín nhiệm cao hơn là điều khó có thể xảy ra trong vòng 2 năm tới”.
Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành đối tượng mới nhất bị Tổng thống Duterte lăng mạ vì đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Philippines. Trong một bài phát biểu trước các binh sỹ ở thành phố Davao ngày 20/9, Duterte nói: “Tôi đã đọc bản lên án của EU chống lại tôi. Tôi muốn nói với họ rằng 'mẹ kiếp'”. Ông thậm chí còn giơ "ngón tay thối" trong lúc đưa ra phát biểu này.
Bản báo cáo của S&P nhằm vào Duterte là một trong số ít những đánh giá thể hiện sự lo ngại rằng tính chất bất ổn và phong cách “khác người” của vị Tổng thống này có thể gây ra những hiệu quả tiêu cực cho nền kinh tế Philippines.
Hiện Philippines đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á. Trong quý 2 năm nay, trước khi Duterte lên cầm quyền, kinh tế Philippines tăng trưởng 7%, mạnh nhất trong 3 năm.
“Chúng tôi có thể hạ điểm tín nhiệm của Philippines nếu chính quyền mới của nước này ngưng trệ tiến trình cải cách hoặc gây ra sự đảo lộn đối với những kết quả tốt đẹp gần đây trong cán cân tài khóa và vãng lai”, báo cáo của S&P có đoạn viết.
Duy trì điểm tín nhiệm BBB/A-2 cùng triển vọng ổn định đối với Philippines, nhưng S&P đã cảnh báo về “những bất ổn gia tăng đối với sự ổn định, khả năng có thể đoán trước, và tính tin cậy” của Chính phủ do Tổng thống Duterte lãnh đạo.
Trước đây, Philippines có một thời gian dài bị xếp hạng tín nhiệm ở ngưỡng “rác” (junk). Vào năm 2013, nước này bắt đầu được nâng lên hạng đầu tư, ban đầu bởi Fitch, tiếp đó là S&P, rồi đến Moody’s. Đó là nhờ cán cân vãng lai mạnh, lạm phát thấp và thâm hụt ngân sách thu hẹp của Philippines.
Ngoài chiến dịch chống ma túy, Duterte đã cam kết sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ để tăng cường cơ sở hạ tầng, giải quyết những khó khăn về giao thông, và cải thiện khung pháp lý về đầu tư để nâng mức tăng trưởng kinh tế lên 8 % trong nhiệm kỳ của ông.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines Carlos Dominguez nói chính quyền Duterte muốn có mức tăng trưởng mạnh và bền vững để “đưa thêm nhiều người Philippines thoát khỏi cảnh nghèo”.
“Nếu một ai đó có thể nhìn sâu hơn những ồn ào gây ra bởi những dòng tít báo tiêu cực, có thể thấy Duterte là một nhà lãnh đạo am hiểu toàn diện về những thay đổi thú vị và tích cực mà Philippines sẽ đạt được trong tương lai”, ông Dominguez nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate