August 26, 2023 | 10:51 GMT+7

Sử dụng năng lượng hiệu quả, sản xuất sạch hơn sẽ giúp các làng nghề giảm chi phí và tăng lợi nhuận

Chu Khôi -

Hiện nay tại các làng nghề, vẫn còn một bộ phận các cơ sở sản xuất sử dụng các thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, chất lượng sản phẩm không cao. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu…

Nung gốm bằng khí gas giúp tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.
Nung gốm bằng khí gas giúp tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngày 25/8/2023 tại Nam Định, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Khuyến công địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nông thôn".

CÔNG NGHỆ LẠC HẬU, LÃNG PHÍ NĂNG LƯỢNG

Thông tin tại hội thảo, TS. Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết trên cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.

Tuy nhiên, khi nói về thực trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường, TSKH Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam, cho rằng vẫn diễn ra khá phổ biến.

 

"Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ".

TSKH Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam.

Đơn cử như Hà Nội mệnh danh là “đất trăm nghề”, tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm. Không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2.

Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Bổ sung thêm, ông Chinh cho biết các cơ sở sản xuất làng nghề rất đa dạng nhưng phần lớn với quy mô nhỏ và vừa, thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên trong quá trình sản xuất gây ra nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng. Đa phần các chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn còn chưa nhận thức được đúng mức ý nghĩa kinh tế, xã hội của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

"Tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng, kèm với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề làm giảm sức cạnh tranh và tính bền vững của các doanh nghiệp làng nghề", ông Chinh nhấn mạnh.

Chính vì vậy, sản xuất sạch hơn được xem là một hướng đi và là xu hướng tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, góp phần phòng ngừa tổng hợp về môi trường, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.

“Áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn cũng góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thương trường và giúp cơ sở sản xuất tiếp cận dễ dàng hơn kênh phân phối hiện đại, là tiền đề vững chắc để thâm nhập thị trường khó tính”, ông Chinh nhận định.

Quanh cảnh hội thảo.
Quanh cảnh hội thảo.

Ông Lại Đức Tuấn, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay tại các làng nghề, vẫn còn một bộ phận các cơ sở sản xuất hiện đang sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng. Ví dụ đối với ngành sản xuất giấy, chi phí năng lượng thường chiếm từ 20 - 40% giá thành sản phẩm.

Tại Việt Nam, suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tại các cơ sở sản xuất giấy, đặc biệt là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,0 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất.

CHUYỂN ĐỔI SANG SẢN XUẤT XANH, SẠCH

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các làng nghề đã nêu những kinh nghiệm trong việc chuyển đổi công nghệ sang hướng tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Điển hình như làng gốm Bát Tràng, trước đây mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn...Tuy nhiên, kể từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề đã giúp các doanh nghiệp và các hộ gia đình tại Bát Tràng chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại. 

Đến thời điểm này, Bát Tràng đã có gần 1000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng (LPG). Nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas LPG đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sử dụng công nghệ đốt gas LPG để nung sản phẩm gốm sứ giúp tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%; lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ, vì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí năng lượng, mà còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60%-70% trước kia. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng sản xuất sạch hơn, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua; hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt. Từ khi chuyển đổi thực hiện sản xuất sạch hơn, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.

Theo các chuyên gia, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều có tiềm năng giảm lượng nguyên, nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%. NGƯT Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng một trong những cách để giảm chi phí sản xuất lại chính là việc đầu tư máy móc thiết bị.

“Các máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại thay thế cho một số công đoạn sản xuất thủ công ở làng nghề có thể có chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng giải quyết được vấn đề năng suất lao động, chi phí nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm và từ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất”, ông Đạt nói.

Ông Lại Đức Tuấn, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, cho biết thông qua một số chương trình, dự án vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của các nhà tài trợ nước ngoài do Bộ Công Thương và một số Bộ ngành khác chủ trì triển khai thực hiện, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành công nghiệp cũng được tiếp cận với hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư để thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Một trong những Chương trình tiêu biểu do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện là “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam” (Dự án LCEE) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được triển khai trong giai đoạn 2013-2017, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính của Chương trình Hỗ trợ Đầu tư xanh (GIF).  

Đến nay, đã có 63 dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ tài chính từ Chương trình Hỗ trợ Đầu tư xanh. Các dự án này đều đã đạt mức tiết kiệm năng lượng giảm phát thải trung bình là 53,29% với tổng mức tiết kiệm năng lượng hàng năm đạt được tương đương hơn 416.000 MWh/năm và mức giảm phát thải khí nhà kính là hơn 231.000 tấn CO2 quy đổi/năm cao hơn so với mục tiêu đặt ra ban đầu của dự án LCEE.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate