Tập đoàn tài chính SVB, ngân hàng cho vay tập trung vào khởi nghiệp lớn hàng đầu nước Mỹ đã trở thành ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vào tuần trước, gây chấn động khắp thị trường toàn cầu.
Ngân hàng Thung lũng Silicon trở nên nổi tiếng là vì đảm nhiệm một vai trò đặc biệt đó là đầu tư mạo hiểm. Ở một số quốc gia, đây là một nhà đầu tư lớn. Tại Ireland, ngân hàng này đã lên kế hoạch đầu tư hơn 500 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ và khoa học vào năm 2024. Tại Hà Lan, ngân hàng đang thảo luận về cách cấp vốn cho nhiều công ty nội địa hơn. Lĩnh vực công nghệ của châu Âu vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt tài chính, thua lỗ gia tăng và tình trạng cắt giảm việc làm trên diện rộng. Việc mất Ngân hàng Thung lũng Silicon sẽ khiến tình trạng khó khăn ngày càng trở nên sâu sắc.
Bà Reinhilde Veugelers, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu kinh tế Bruegel và là giáo sư tại trường đại học Bỉ KU Leuven, cho biết không có nhiều ngân hàng cung cấp các khoản vay cho những công ty khởi nghiệp. Các ngân hàng châu Âu không phải là lựa chọn thay thế tốt cho SVB bởi vì họ quá sợ rủi ro.
Ngân hàng Thung lũng Silicon đã tham gia vào lĩnh vực công nghệ của Châu Âu thông qua một loạt các doanh nghiệp và văn phòng trực thuộc. Trung tâm của hệ thống đó là công ty con của ngân hàng có trụ sở tại London được thành lập vào năm 2012, giúp các công ty khởi nghiệp trên khắp EU cấp vốn, cho vay và mở tài khoản.
Bà Check Warner, đối tác của công ty liên doanh Ada Ventures có trụ sở tại London, cho biết ngân hàng Silicon Valley không chỉ cho phép các công ty công nghệ có cấu trúc tài chính khác thường mở tài khoản mà họ cũng tài trợ cho các sự kiện và tổ chức đang cố gắng làm cho lĩnh vực công nghệ của Vương quốc Anh trở nên đa dạng hơn. “SVB không chỉ là một ngân hàng, tôi rất thích nếu một doanh nghiệp trong nước của Anh đảm nhận vai trò này, nhưng nếu không có vai trò đó, Thung lũng Silicon đã và đang làm rất tốt”, bà chia sẻ.
Cách thức hoạt động của Ngân hàng Thung lũng Silicon ở châu Âu đã thu hút được sự ngưỡng mộ của giới công nghệ. Nhưng bây giờ, những người trong lĩnh vực này đang lo lắng rằng sự sụp đổ của công ty sẽ cảnh báo các ngân hàng khác tránh xa việc tài trợ cho công nghệ theo cách tương tự.
Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon bắt đầu với cuộc đầu tư vào trái phiếu Mỹ dài hạn. Lãi suất ngân hàng tăng khiến giá trị của những trái phiếu đó giảm. Điều này đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm lo lắng và họ đã yêu cầu các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của họ rút tiền ra. Ngay sau đó, ngân hàng này thực sự đã sụp đổ.
Hơn 400 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị của ngành công nghệ châu Âu trong năm 2022, trong khi một số công ty như Klarna, nhà cung cấp dịch vụ "mua ngay, trả sau" của Thụy Điển đã chứng kiến mức định giá của họ giảm hơn 85 %. Năm nay sự khó khăn sẽ chưa thuyên giảm, khi tình trạng sa thải tiếp tục diễn ra trong các công ty khởi nghiệp nội địa cũng như tại các công ty công nghệ lớn của Châu Âu. Vào cuối tháng 2, Google đã xác nhận sẽ cắt giảm 200 nhân sự khỏi hoạt động kinh doanh tại Ireland.
Bà Warner chia sẻ: “Toàn bộ ngành công nghệ đang gặp khó khăn. Nhìn chung, vào năm 2023, các vòng gọi vốn diễn ra lâu hơn và có ít vốn hơn nhiều”.
Trong bối cảnh đó, không rõ liệu có ngân hàng lớn nào của châu Âu có thể hoặc sẵn sàng lấp đầy chỗ trống mà Ngân hàng Thung lũng Silicon đang để lại hay không.
Ông Frederik Schouboe, đồng CEO và đồng sáng lập của KeepIt, công ty dịch vụ đám mây tại Đan Mạch cho biết, Ngân hàng Thung lũng Silicon đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà các ngân hàng khác sẽ không làm.
Ông Berthold Baurek-Karlic, người sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư Venionaire Capital có trụ sở tại Vienna (Áo), cho biết chính các hoạt động ngân hàng của SVB đã thất bại, chứ không phải mô hình kinh doanh cấp vốn cho lĩnh vực khởi nghiệp. Ông chia sẻ thêm: “Những gì họ đã làm là mắc sai lầm lớn trong quản lý rủi ro. Nếu lãi suất tăng, điều này sẽ không làm cho ngân hàng của họ phá sản”.
Ông Baurek-Karlic tin rằng các công ty khởi nghiệp ở châu Âu đang được hưởng lợi từ các vụ đầu tư mạo hiểm mà Ngân hàng Thung lũng Silicon đang thực hiện, chẳng hạn như cung cấp các giao dịch nợ mạo hiểm. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cho biết, Ngân hàng Thung lũng Silicon không phải là hệ thống quan trọng, có ít rủi ro lây lan sang các ngân hàng khác. “Điều đó có thể đúng trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng đối với hệ sinh thái công nghệ, đây lại là một hệ thống rất quan trọng”, ông cho biết thêm.